Định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025


Ngày 14/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Quyết định này, có 13 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 gồm: Quốc phòng; An ninh và trật tự, an toàn xã hội; Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; Khoa học, công nghệ; Y tế, dân số và gia đình; Văn hoá, thông tin; Phát thanh, truyền hình, thông tấn; Thể dục, thể thao; Bảo vệ môi trường; Các hoạt động kinh tế: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủ sản; công nghiệp; giao thông...; Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; Xã hội; Các nhiệm vụ, chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật.

Trong đó, nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg yêu cầu, trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước sử dụng theo quy định tại Điều 59 của Luật Ngân sách Nhà nước, đối với phần vốn dành cho đầu tư phát triển (nếu có) báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép ưu tiên bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương được phân bổ theo quy định tại Điều 5 của Quyết định này. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn còn thiếu của các dự án thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, thu hồi vốn ứng trước.

Cụ thể, thực hiện hoàn trả vốn ứng trước thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương nhưng chưa có nguồn để hoàn trả và được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn hoàn trả trong giai đoạn 2016-2020; số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 chưa được bố trí trong kế hoạch hằng năm của các dự án đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Đối với số vốn còn lại bố trí cho các dự án mới thuộc 13 ngành, lĩnh vực quy định tại Quyết định này và phân bổ theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 8 Điều 4 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư công theo 13 ngành, lĩnh vực được quy định tại Quyết định này.

Đối với địa phương, vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương được phân bổ theo nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và Khoản 1 Điều 6 của Quyết định này.

Tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14...

Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định tại Quyết định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định tại Quyết định này, khả năng tài chính và đặc điểm tình hình của địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cấp tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan Trung ương và các địa phương phải quán triệt thực hiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí; bảo đảm công khai, minh bạch; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tính chính xác các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quản lý.

Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 14/9/2020.

13 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Quốc phòng; An ninh và trật tự, an toàn xã hội; Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; Khoa học, công nghệ; Y tế, dân số và gia đình; Văn hoá, thông tin; Phát thanh, truyền hình, thông tấn; Thể dục, thể thao; Bảo vệ môi trường; Các hoạt động kinh tế: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủ sản; công nghiệp; giao thông...; Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; Xã hội; Các nhiệm vụ, chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật.