Đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng qua 9 tỉnh, thành phố
Sáng 19/2, với đại đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị phạm vi đầu tư dự án điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km. Dự án đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa. Tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.
Dự án áp dụng hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.
Cũng theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó, trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ cho Dự án để bổ sung cho phần thiếu hụt so với dự toán và kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được Quốc hội phê duyệt mà không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước.
Thủ tướng được quyết định huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Đồng thời, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công...