Đầu tư hàng loạt nhà máy chế biến nông sản
Từ vài năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư mạnh vào khâu chế biến sau thu hoạch. Tuy kết quả đạt được vẫn còn xa so với kỳ vọng, nhưng đây là hướng đi cần thiết của ngành nông nghiệp, giúp ngành phát triển bền vững và thích ứng hiệu quả hơn với thiên tai, dịch bệnh.
7.500 đơn vị
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong giai đoạn từ năm 2013-2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng giá trị hàng năm đạt 5% - 7%. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Hiện cả nước có khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản nông sản gắn với xuất khẩu. Riêng năm 2018-2019 có 30 dự án chế biến, với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, đã khởi công xây dựng và một số cơ sở được đưa vào sản xuất.
Trong số này, vào những ngày cuối năm 2019, Tập đoàn Intimex tổ chức khánh thành Nhà máy Chế biến cà phê hòa tan, được xây dựng trên dây chuyền công nghệ tiên tiến của thế giới với giá trị đầu tư 30 triệu USD, công suất 550kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn/năm.
“Qua việc đầu tư này, chúng tôi kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị chuyên sâu cho sản phẩm cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời hướng tới xuất khẩu bền vững”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, chia sẻ và cho biết trong năm 2020, tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư nhà máy, đạt đến công suất 20.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Hay như Công ty CP Phúc Sinh đã đầu tư thiết bị hiện đại để chế biến tiêu sấy lạnh, đem lại giá trị gấp 6 lần so với tiêu đen.
Trong năm nay, Tập đoàn TH sẽ hoàn thành giai đoạn 2 nhà máy nước sản xuất tinh khiết, nước thảo dược và hoa quả, xây dựng dây chuyền sản xuất nước hoa quả với công suất 36.000 chai/giờ và sản xuất dòng sản phẩm mới là nước gạo rang, nước gạo lức đỏ và nước ép trái cây. Sau khi có mặt tại thị trường miền Bắc, Công ty CP Masan MEATLife (thịt mát MEATDeli) đang xây dựng tổ hợp chế biến thịt heo sạch tại tỉnh Long An để phục vụ thị trường miền Nam, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 8-2020.
Chuyên xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Hoa Kỳ, Tập đoàn Vina T&T cũng lên kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy chế biến dừa tươi vào tháng 5-2020 và vỏ dừa được tận dụng xay xát thành phân hữu cơ. Dự kiến tháng 3 tới, Tập đoàn Việt - Úc (nuôi, sản xuất tôm giống) cũng khởi công xây dựng nhà máy chế biến tôm thuộc Khu phức hợp Sản xuất tôm chất lượng cao tại Bạc Liêu. Trong khi đó, Công ty TNHH San Hà vừa khánh thành cửa hàng mới tại huyện Châu Thành (tỉnh Long An), nâng tổng số cửa hàng bán sản phẩm từ gà của đơn vị lên con số 24.
Công nghệ giúp sản phẩm “sạch”
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đến năm 2030, tốc độ tăng giá hàng nông sản qua chế biến sẽ đạt 7% - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành hàng đạt 30% trở lên; trên 50% cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Việt Nam đã xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.
Ngoài đầu tư công nghệ chế biến sâu, doanh nghiệp cũng đã thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất ra sản phẩm. Ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp, phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, chia sẻ: “Nông nghiệp Hà Lan đạt chất lượng và sạch là nhờ đầu tư công nghệ mới và những thiết bị hiện đại - điều này vô cùng quan trọng trong việc hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi phát triển và chuỗi cung ứng”.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhận xét, ngành nông nghiệp nếu được đầu tư công nghệ chế biến sâu sẽ tạo ra dư địa rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, ổn định mặt hàng; giám sát các mối nguy trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản.
Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, hạ giá thành; đồng thời, kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp bách hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo sâu vào khoa học công nghệ, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam đa số chỉ đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, nên khả năng cạnh tranh không cao. Một điển hình cần học tập là Hàn Quốc. Hàn Quốc có thể chế biến khoai lang thành 15 sản phẩm, còn Việt Nam chỉ một vài sản phẩm.
Thanh long Việt Nam bảo quản sau thu hoạch được 35 ngày, trong đó thời gian vận chuyển mất đến 30 ngày, chỉ còn 5 ngày trên kệ bán. Với thời gian cạnh tranh quá ngắn, thanh long xuống màu, giá thành hạ. Hay trái dừa tươi Việt Nam có chất lượng hơn trái dừa tươi Thái Lan, nhưng dừa tươi Thái Lan có thêm “đồ khui” để uống trực tiếp, nên dù giá cao hơn mà vẫn bán rất chạy vì tiện lợi.