Đầu tư toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp hạn chế đi lại
Năm 2020, ngành du lịch và dịch vụ toàn cầu thiệt hại ước tính 4,5 nghìn tỷ USD, tương đương quy mô GDP của Đức, 62 triệu người mất việc làm.
Thiệt hại kinh tế từ các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ đại dịch COVID-19 đang ngày một lớn dần khi mà các doanh nghiệp hạn chế các khoản đầu tư hoặc trì hoãn đầu tư, các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế cấp visa khiến cho hoạt động của doanh nghiệp bị tê liệt lâu hơn so với kỳ vọng, theo tin từ WSJ.
Tình hình này đặc biệt rõ nét ở châu Á nơi mà chính phủ các nước, trong nỗi lo về biến chủng delta, đang tiến hành những biện pháp hạn chế đi lại vốn đã được áp dụng hơn 1 năm nay. Trung Quốc đã đóng cửa biên giới suốt từ tháng 3/2020. Nhật, Australia, Singapore và nhiều nước khác cũng đóng cửa biên giới hoặc yêu cầu cách ly dài ngày với những người nhập cảnh vào đất nước.
Các biện pháp hạn chế này được áp dụng đỡ khắt khe hơn tại châu Âu, Nam Mỹ và nhiều nơi khác, tuy nhiên ngay cả như vậy vẫn gây ra nhiều tác động cực kỳ tệ hại lên nhiều ngành nghề ví như du lịch hay giáo dục.
Các biện pháp cũng buộc doanh nghiệp phải cân nhắc lại về các chiến lược mở rộng hoạt động ra nước ngoài, đồng thời nhiều đất nước cũng không thể đón được các dự án đầu tư vốn cần thiết để đảm bảo tăng trưởng cho nền kinh tế.
Giám đốc tại châu Á của công ty D3O – một công ty của Anh chuyên sản xuất thiết bị bảo vệ cho người sử dụng xe phân khối lớn cũng như chơi hockey, ông François Grezes, đã phải điều hành nhóm làm việc của ông tại Trung Quốc từ xa trong suốt hơn 1 năm nay bởi ông không thể xin được visa quay lại Trung Quốc.
Ông cho biết công ty muốn tìm thêm đối tác sản xuất, bổ sung thêm nhân lực và thử nghiệm thiết bị tại Trung Quốc bởi nhu cầu đối với sản phẩm của công ty tăng phi mã trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cho đến nay những kế hoạch này đã bị trì hoãn lại bởi D30 không có một quản lý cao cấp nào tại Trung Quốc có đủ khả năng giám sát việc mở nhà máy mới. Ông cảm thấy tiếc nuối vì nhu cầu thị trường tăng quá nhanh nhưng sản xuất của công ty không thể theo kịp.
Vào tháng 7/2021, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc công bố các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ đại dịch COVID-19 là thách thức lớn nhất với các nước thành viên trong năm nay.
Người muốn đi lại sẽ cần phải xin phép đặc biệt từ chính phủ Trung Quốc để có thể vào được Trung Quốc và những ai nhận được visa sẽ bị buộc phải cách ly trong 28 ngày. Khoảng 30% số người trả lời cho biết họ đã trì hoãn hoặc hủy luôn các quyết định kinh doanh khi mà nhà điều hành cấp cao đang không ở Trung Quốc.
Phòng Thương mại Mỹ tại miền Nam Trung Quốc, khu vực sản xuất quan trọng của Trung Quốc, công bố việc không được cấp visa kinh doanh đã khiến cho số lượng các dự án lớn sụt giảm. Chỉ khoảng 4% thành viên trả lời khảo sát cho biết họ đã lên kế hoạch tái đầu tư với các khoản từ 250 triệu USD trở lên, ngưỡng vốn đủ cao để có thể coi là phù hợp cho việc xây dựng nhà máy mới.
Các doanh nghiệp viện dẫn lý do không thể đưa được kỹ sư sang để giám sát việc xây dựng nhà máy hoặc các dây chuyền sản xuất, ngoài ra còn rất nhiều hoạt động.
Phòng Thương mại Mỹ dự báo tổng vốn tái đầu tư sẽ vẫn ổn định khi mà doanh nghiệp chuyển hướng chi tiêu sang các dự án quy mô nhỏ hơn, ví như việc mở rộng các nhà máy hiện có. Nhưng ngay cả như vậy, phòng thương mại Mỹ dự báo việc tái đầu tư các dự án lớn bị cản trở sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong vòng từ 2 đến 3 năm tới.
Năm 2020, ngành du lịch và dịch vụ toàn cầu thiệt hại ước tính 4,5 nghìn tỷ USD, tương đương quy mô GDP của Đức, 62 triệu người mất việc làm, theo Hội đồng Du lịch Toàn cầu (WTC). Hoạt động đi lại quốc tế trong năm nay chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019, theo chia sẻ của người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vào cuối tháng 7/2021.