Hàn Quốc lên kế hoạch sống chung với COVID-19
Hàn Quốc dự kiến lên kế hoạch áp dụng mô hình sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ người dân tiêm vắc xin phòng bệnh đạt 80% ở người trưởng thành và 90% ở người cao tuổi.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun Kyung, mô hình “sống chung an toàn với dịch COVID-19” có thể sẽ được Chính phủ Hàn Quốc xem xét sớm nhất vào cuối tháng 10 tới.
Bà Jeong Eun Kyung nhấn mạnh rằng, khoảng thời gian phù hợp để Hàn Quốc áp dụng mô hình này là khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh đạt 90% ở người cao tuổi và 80% ở người trưởng thành. Hiện tại, Hàn Quốc đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng để có thể đạt được mục tiêu nói trên.
Ngoài ra, theo Giám đốc KDCA, Chính phủ Hàn Quốc đang thảo luận kế hoạch tiêm chủng cho các nhóm như thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và chiến dịch tiêm chủng cho các nhóm liên quan, dự kiến sẽ bắt đầu trong quý IV/2021.
Bên cạnh đó, vì mức độ an toàn chưa được kiểm chứng đầy đủ, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tạm thời không xem xét việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Đối với kế hoạch tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ 3, hay còn được gọi là mũi tăng cường, Hàn Quốc đang xem xét khả năng này do biến thể của virus SAR-CoV-2 đã có những biến chủng phức tạp hơn.
Tuy nhiên, bà Jeong Eun Kyung cũng giải thích thêm, hiện các hướng dẫn chi tiết ở Anh và Mỹ về vấn đề này cũng chưa được hoàn thiện, do đó Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập một kế hoạch chi tiết trong khi xem xét kỹ hơn các kết quả và dữ liệu lâm sàng ở các quốc gia tiên tiến, rồi mới đi tới quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết, nước này tiến hành họp kín với các công ty dược phẩm toàn cầu để mua trước các loại thuốc điều trị COVID-19 qua đường uống, dự kiến sẽ được thương mại hóa ngay trong năm 2021, nhằm giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung. Chính phủ nước này hiện đã bảo đảm nguồn ngân sách để mua thuốc điều trị COVID-19 cho khoảng 18.000 người ngay trong năm 2021 và có kế hoạch phân bổ tiền vào năm tới để mua thuốc cho khoảng 20.000 người nữa.
Trong số các công ty dược phẩm toàn cầu, hãng dược Merck của Mỹ đã đi trước các đối thủ cạnh tranh trong việc phát triển thuốc điều trị COVID-19 đường uống. Theo thông tin trên website của Merck cho biết, Molnupiravir (EIDD-2801/MK-4482) là thuốc uống có tác dụng ức chế sự sao chép của nhiều loại virus RNA trong đó có virus SARS-CoV-2.
Molnupiravir đã được chứng minh là có tác dụng trong một số mô hình SARS-CoV-2, bao gồm điều trị và ngăn ngừa lây truyền, đồng thời loại này đang được xem là một "ứng cử viên" thuốc kháng virus đường uống điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.