Đẩy gánh nặng nợ xấu về tương lai?

Theo VEF

Bốn ngày trước khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định lùi thực thi quyết định này 1 năm. Với quyết định này, doanh nghiệp (DN) và ngân hàng tạm thời thoát khỏi khó khăn trước mắt nhưng nợ xấu không mất đi mà vẫn treo lơ lửng, chờ ngày dội xuống.

Đẩy gánh nặng nợ xấu về tương lai?
Với con số nợ xấu hiện tại, các ngân hàng đã rất cố gắng nhưng vẫn đang rối. Nguồn: Internet
"Chuẩn" nâng lên, nợ tăng cao

Việc phân loại, trích lập dự phòng đối với các các tổ chức tín dụng là chuyện rất bình thường và hiện tại các ngân hàng đang thực hiện theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của NHNN. Tuy nhiên, theo thời gian, những tiêu chuẩn này đã trở nên lạc hậu. Đặc biệt, quyết định 493 cũng chưa phản ánh được đầy đủ chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng như là còn khá xa so với tiêu chuẩn an toàn quốc tế nên không phản ánh đủ sức khỏe mà cụ thể là nợ xấu của ngân hàng.

Đây chính là vấn đề bị các tổ chức quốc tế có rất nhiều ý kiến và làm nảy sinh những đánh giá khác nhau về nợ xấu ngân hàng Việt Nam giữa trong nước và quốc tế.

Để chuẩn hóa, NHNN đã ban hành thông tư 02/2013/TT-NHNN theo hướng nâng cao rất nhiều các tiêu chuẩn, thể hiện đúng đắn, đầy đủ hơn bản chất, chất lượng tín dụng của ngân hàng. Theo đó, sẽ có nhiều nhóm tín dụng bị đưa ào nợ xấu để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, tại nợ nhóm 3 chỉ 4 trường hợp thì theo Thông tư 02, con số này là 10 với các chặt chẽ, cụ thể hơn rất nhiều. Tất nhiêu, điều này sẽ khiến cho bảng số liệu của các ngân hàng sẽ xấu đi so với hiện nay.

Theo giám đốc khối quản lý rủi ro của một ngân hàng cổ phần, Thông tư 02 nâng cao tiêu chuẩn phân loại nợ ở nhiều yếu tố như mở rộng đối tượng phải trích lập dự phòng; quy định cụ thể, chặt chẽ, chi tiết hơn rất nhiều. Đặc biệt, NHNN đã yêu cầu hệ thống hóa thông tin tín dụng thông qua việc tổng hợp thông tin của Trung tâm Thông tin tín dụng CIC.

"Điều này có nghĩa là, nếu một khách hàng xuất hiện nợ nhóm 3 là cao nhất tại một tổ chức tín dụng (TCTD), thì đồng loạt các TCTD khác mà khách hàng đang quan hệ cũng phải chuyển sang nhóm nợ 3", vị lãnh đạo này nói.

Theo Quyết định 493, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng có đủ điều kiện theo quy định thực hiện việc phân loại nợ theo phương pháp định tính. Tuy nhiên, các quy định này có thể bị các ngân hàng chi phối, hình thành 2 hệ thống xếp loại tín dụng, một hệ thống xếp loại tín dụng tính theo đúng bản chất, thường có kết quả xếp loại nhóm nợ cao hơn thì chỉ nội bộ biết, còn một hệ thống xếp loại tín dụng khác định lượng hơn, có kết quả phân loại nhóm nợ thấp hơn thì sẽ báo cáo lên NHNN.

Thông tư 02 đã siết lại khi quy định ngân hàng đủ điều kiện để được áp dụng phương pháp định tính trong xếp loại tín dụng thì vẫn phải áp dụng phương pháp định lượng, phương pháp nào có kết quả rủi ro cao hơn thì lấy kết quả của phương pháp đó.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, "Thông tư 02 của NHNN là một bước tiến lớn, phản ánh đầy đủ, trung thực hơn tình hình tín dụng, đặc biệt là chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Điều này rất cần thiết nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam".

"Nín thở" đếm nợ xấu

Thông tư 02/2013/TT-NHNN là rõ ràng nhưng có vẻ nó không "hợp thời" vì càng gần đến ngày thực thi càng có nhiều ý kiến của giới DN, các chuyên gia gây "sức ép" để NHNN xem xét hoãn quy định này.

Thực tế, dù rất ủng hộ một quy khắt khe về quản lý nợ của ngân hàng nhưng các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, đây lại là "liều thuốc hơi quá độ" cho sức khỏe hiện tại của nền kinh tế.

Trước thời điểm thông tư chứng 2 tuần, những chuyên gia ngân hàng - tài chính hàng đầu đã có một cuộc tọa đàm bày tỏ lo lắng những tác dụng phụ không mong muốn của quy định này đến DN và nền kinh tế trong thời điểm hiện nay.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết: Nếu áp dụng thông tư này, chắc chắn con số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng vọt, thậm chí lên tới cả vài chục phần trăm chứ không phải loanh quanh cái ngưỡng an toàn mà các ngân hàng tuyên bố, hay khoảng 8% như NHNN thẳng thắn thừa nhận".

Với con số nợ xấu hiện tại, các ngân hàng đã rất cố gắng nhưng vẫn đang rối. Nếu nợ xấu còn tăng vọt lên nữa thì chắc kể cả VAMC cũng đành bó tay.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết: "Áp theo 02 , chắc chắn, con số này sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lên, thậm chí, nếu chiểu theo quy định thì sẽ có những chi nhánh, phòng giao dịch sẽ phải tạm ngừng phát triển tín dụng để tập trung thu hồi nợ".

Ngân hàng tăng mạnh tỷ lệ nợ xấu đồng nghĩa với việc sẽ phải tăng mạnh các khoản trích lập dự phòng nên việc cho vay ra sẽ bị hạn chế đi. Đặc biệt, với việc chuyển mạnh các khoản nợ sang nhóm nợ xấu thì các doanh nghiệp sẽ gần như không thể tiếp cận nguồn vốn vì chính sách của các tổ chức tín dụng cũng như quy chế cho vay không cho phép cấp tín dụng mới cho các đơn vị đang có nợ xấu.

Theo các chuyên gia ngân hàng, đây là điều ai cũng lường trước và phải chấp nhận. Nhưng để đón nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ như yêu cầu của Thông tư 02/2013/TT-NHNN cần một quá trình chuẩn bị dài hơi. Tuy nhiên, từ ngày ban hành thông tư đến khi có hiệu lực chỉ khoảng 5 tháng là thời gian tương đối ngắn, nên việc giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm là cần thiết, thậm chí phải có lộ trình dài hơi hơn.

"Các chỉ số an toàn ở ta còn thấp hơn chuẩn chung rất nhiều, nên việc 5 tháng điều chỉnh sẽ là một việc quá sức cho các ngân hàng, hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nó sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp", một chuyên gia ngân hàng phân tích.

Theo thông báo của NHNN, các TCTD chỉ được tạm hoãn thi hành với thời hạn rõ ràng là một năm. Nhưng sẽ không có một bước lùi nào về tiêu chuẩn phân loại nợ. Điều đó nợ xấu vẫn treo trên đầu chờ các ngân hàng xử lý.