Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của kinh tế thị trường

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành trao đổi.


Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của kinh tế thị trường - Ảnh 1
Ông Võ Trí Thành
Phóng viên: Thưa Ông, Ông đánh giá như thế nào về những thành công về thể chế kinh tế phục vụ cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta sau gần 30 năm đổi mới?

Ông Võ Trí Thành: Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế chuyển đổi, từ Nhà nước quyết định mọi thứ sang nền kinh tế mở rộng quyền, cơ hội lựa chọn cho người dân, đặc biệt trong kinh tế, trong kinh doanh. Và thể chế được xây dựng hỗ trợ cho quá trình này. Từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý như là quyền sở hữu của tư nhân rồi giao dịch trên thị trường, vấn đề cạnh tranh, mở cửa hội nhập.

Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước, cách can thiệp của Nhà nước cũng thay đổi. Không phải tất cả Nhà nước làm mà Nhà nước sẽ chuyển sang tạo dựng nền tảng để thể chế thị trường, các thị trường được phát triển. Qua đó, lực lượng trên thị trường sẽ tự quyết định lựa chọn của mình. Cùng với đó, Nhà nước tập chung nhiều hơn vào việc xử lý những vấn đề xã hội. Công cuộc cải cách thể chế Việt Nam gắn liền với mở rộng quyền và cơ hội lựa chọn cho người dân. Cùng với đó, nâng cao năng lực lựa chọn ấy của bộ máy nhà nước, của người dân. Có thể nói đấy là thành tựu lớn nhất của kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới. Tất nhiên, đây là cả quá trình lâu dài và rất nhiều điều chúng ta phải hoàn thiện tiếp.

Hiểu một cách khái quát thì thể chế kinh tế thị trường phải có yếu tố hình thành các loại thị trường. Vậy Ông nhìn nhận như nào khi chúng ta vẫn còn mang nặng tính độc quyền ở một số lĩnh vực như viễn thông, điện, xăng dầu?

Nếu nói thị trường thì có các mảng rất quan trọng, một là quá trình ra nhập thị trường, gọi là lấy quyền được kinh doanh gắn với quyền được sở hữu cho đến giao dịch kinh doanh đến vấn đề cạnh tranh, rồi rút lui khỏi thị trường đến phá sản; hai là phát triển các loại thị trường. Ngoài thị trường hàng hóa dịch vụ có thể là thị trường lao động, thị trường đất đai, khoa học công nghệ...

Nếu nói về kinh tế thị trường thì hạt nhân hay trái tim của kinh tế thị trường chính là cạnh tranh. Chỉ có cạnh tranh thì mới có kinh tế thị trường. Cũng phải thấy rằng không phải tất cả các loại thị trường sẽ bảo đảm rằng 100% sẽ là cạnh tranh. Có thể độc quyền mang tính tự nhiên nhưng ngay độc quyền mang tính tự nhiên như ngành điện thì hiện nay cũng phân mảng ra, những mảng khác nhau của thị trường này thì vẫn tăng được tính cạnh tranh. Ví dụ như phát điện hay phân phối bán lẻ điện. Rồi ngay cả trong vấn đề thị trường thì cũng có cách can thiệp tốt hơn, tạo ra động lực để buộc các doanh nghiệp ít nhiều có vị trí thống lĩnh thị trường tiếp tục cải thiện qua minh bạch, sức ép về giám sát; qua việc tạo ra động lực, nếu đổi mới thì có phần thưởng về thuế. Có thể nói có rất nhiều cách để cải thiện kết quả của chính doanh nghiệp độc quyền.

Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều thị trường có sự chi phối độc quyền, đặc biệt một số lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước còn khá lớn. 

Thể chế kinh tế thị trường phải tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cá nhân Ông nhìn nhận như thế nào khi vẫn có ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn có doanh nghiệp nhà nước được ưu ái hơn doanh nghiệp tư nhân?

Nếu chúng ta nhìn vào các văn bản pháp lý Việt Nam cũng không dễ tìm ở đó các doanh nghiệp nhà nước có ưu thế hơn các thành phần kinh tế khác. Và ở một số nơi người ta có thể lập luận rằng doanh nghiệp nhà nước còn chịu những sức ép nhất định như phải gánh trách nhiệm xã hội...

Về bản chất, việc coi doanh nghiệp nhà nước có ưu ái hơn là thực tế. Thứ nhất đó chính là con đẻ của Nhà nước, cách thức can thiệp của Nhà nước, cách thức suy nghĩ về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và mở cửa… nên khó tránh khỏi ưu ái hơn. Thứ hai, theo một số điều tra, khu vực tư nhân, đặc biệt khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong tiếp cận đất đai, tiếp cận các nguồn nhân lực, tín dụng... thì rõ ràng khu vực này yếu thế hơn doanh nghiệp nhà nước. Yếu thế này do một phần là vị thế, quy mô, cơ bản đó là phân biệt đối xử trên thực tế.

Nhà nước có thể đứng ra chỉ định, bảo lãnh thì tính chất vẫn khác so với doanh nghiệp nhà nước. Đây là câu chuyện có thật, và cách chúng ta đang làm thì dựa trên hai cách, một là rà soát pháp lý và ứng xử trên thực tế cho công bằng. Hai là việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa, cam kết quốc tế sâu rộng hơn. Chính cam kết quốc tế đòi hỏi chúng ta phải sâu rộng hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn với các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế.

Tại hội thảo cải cách thể chế Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế diễn ra cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước là một nút thắt phải làm khi cải cách thể chế kinh tế. Ông bình luận như thế nào về góc nhìn này?

Tôi đồng tình với cách nhìn của Bộ trưởng. Câu chuyện doanh nghiệp nhà nước không phải là câu chuyện một doanh nghiệp. Đây là câu chuyện về tư duy của quá trình chuyển đổi nền kinh tế của chúng ta. Vai trò của Nhà nước như thế nào trong nền kinh tế thị trường. Rõ ràng trên nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng, nhưng cũng có lĩnh vực không tạo ra sự lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản lý như chúng ta hy vọng. Như vậy gắn liền với câu chuyện tư duy của chúng ta có thật sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Hơn nữa, câu chuyện doanh nghiệp nhà nước là câu chuyện về nguồn lực, một nguồn lực rất lớn cho khu vực này, nhìn chung khu vực này không hiệu quả. Kinh tế thị trường cùng với ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo ra sự phân bổ nguồn lực hiệu quả. Chúng ta không xử lý khu vực này thì nguồn lực ở Việt Nam vẫn bị phân bổ méo mó và khó tạo tăng trưởng bền vững, lâu bền. Bên cạnh nguồn lực lớn như vậy, trên thực tế, tiếp cận với nguồn lực đang có và sẽ có thì doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái. Thực sự cải cách doanh nghiệp nhà nước, gắn liền với câu chuyện tiếp tục đổi mới tư duy với một nền kinh tế thị trường hội nhập là cần thiết. Vai trò của Nhà nước với việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả, đó là nút thắt rất lớn. Không phải ngẫu nhiên trong ba lĩnh vực tái cấu trúc thì rất nhiều nhà kinh tế coi doanh nghiệp nhà nước là quyết định nhất.

Thưa Ông, trả lời báo chí mới đây, nhìn lại 30 năm đổi mới, một chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phát triển hiện nay có nhiều rào cản lớn như tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, nhất quán trong việc điều hành quản lý kinh tế vĩ mô hay sự chồng chéo chia cắt, thậm chí là lạm dụng trong việc quy hoạch phát triển trong phát triển kinh tế vùng. Ông có cho rằng đây là rào cản mà thể chế kinh tế cần phải gỡ?

Tôi nghĩ đây là rào cản. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tăng cường phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương... Tại sao lại rất quan trọng vì nó tiếp tục câu chuyện cải cách thể chế. Bản chất cải cách của thể chế Việt Nam có hai vấn đề, một là tạo ra không gian cởi mở hơn, quyền lựa chọn lớn hơn trong lựa chọn quyết định làm ăn của các tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đấy, Nhà nước tạo dựng các văn bản pháp lý, chính sách hệ thống, là động lực để các thị trường không chỉ ra đời mà còn phát triển. Chúng ta đều biết nhiệm vụ của bộ máy nhà nước sinh ra để giảm chi phí giao dịch, các chi phí giao dịch trong kinh doanh. Để làm được việc đấy thì phải minh bạch, nhất quán, thông điệp rõ ràng. Nếu không có phối hợp tốt thì chắc chắn sẽ tăng chi phí giao dịch cho sản xuất kinh doanh, thậm chí hệ lụy tiêu cực về mặt xã hội.

Cá nhân Ông cho rằng yếu tố nào cần ưu tiên thực hiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thời gian tới?

Theo tôi, ở Việt Nam mặc dù qua 30 năm đổi mới, đó vẫn là vấn đề tư duy, bản chất câu chuyện kinh tế ở đây là vai trò của Nhà nước. Tư duy này không phải là Nhà nước và thị trường truyền thống mà trong những năm trở lại đây, đó là cách nhìn về phát triển, cách nhìn về thị trường, cách nhìn Nhà nước cũng có thay đổi nhất định. Nếu chúng ta nghĩ định hướng xã hội chủ nghĩa là vai trò cần có của Nhà nước với việc bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho đào tạo giáo dục, công bố thông tin minh bạch đầy đủ… thì có lẽ chúng ta hiểu xã hội chủ nghĩa không nặng nề và không có mâu thuẫn trong nền kinh tế mở cửa hội nhập. Ở đó kinh tế thị trường vẫn pháp triển, vai trò Nhà nước ngày càng tốt hơn, đặc biệt dưới góc độ nâng cao năng lực và xử lý các vấn đề xã hội.

Xin cám ơn Ông!