Đẩy mạnh cải cách kinh tế, củng cố lòng tin
(Tài chính) Đánh giá cao nỗ lực và thành công của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thời gian qua, đại diện IMF/WB khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế để ứng phó với biến động của thị trường tài chính thế giới, qua đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.
Bà Đoàn Hoài Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF/WB) ủng hộ mạnh mẽ những bước đi gần đây của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Theo IMF/WB, việc xử lý nợ xấu cần có sự ủng hộ tối đa về mặt chính trị để có thể giải quyết trong thời gian ngắn nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng; tập trung củng cố bảng cân đối tài sản của các ngân hàng và các tổ chức kinh tế. Hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần tiến hành song song với tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, củng cố công tác quản trị điều hành doanh nghiệp.
Việt Nam là ứng viên sáng giá có thể trở thành nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn tới với điều kiện tiếp tục duy trì các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tốc độ cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế.
Nhận định của các tổ chức tài chính quốc tế cho thấy trong tương lai, với khả năng rút lại các gói nới lỏng định lượng sẽ làm cho thanh khoản trên thị trường vốn quốc tế bị thu hẹp lại, chi phí vốn đắt hơn, tài trợ thương mại bị hạn chế, đầu tư trực tiếp, gián tiếp có thể bị suy giảm…
Do đó, để có thể chủ động ứng phó với tác động của các diễn biến này, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, thể chế kinh tế thị trường để tạo môi trường cho phát triển bền vững, đẩy mạnh tiến trình cải cách kinh tế, tái cơ cấu khu vực tài chính ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước cũng như tiến trình cổ phần hóa… qua đó góp phần củng cố lòng tin các nhà đầu tư và thu hút thêm luồng vốn đầu tư quốc tế.
Trước đó, theo HSBC, Việt Nam dường như đang hồi phục một cách chậm rãi, các điều kiện trong nước đang ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng đang tăng nhẹ so với thời kỳ trì trệ nửa đầu năm 2013. Bức tranh vĩ mô ổn định hơn. Dòng vốn FDI đang đổ vào mạnh, tăng hơn 50% so với đầu năm. Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư lâu dài, đặt biệt là từ các nhà đầu tư Đông Á. Samsung, LG Electronics và Foxcom là một vài trong số những nhà sản xuất điện tử quan trọng đang xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, trụ vững trước sự bất ổn tài chính toàn cầu vốn ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trong khu vực. Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam có được xu hướng ổn định đó là do chính sách tài khóa và tiền tệ được quản lý theo cách hiệu quả hơn. Triển vọng kinh tế trong trung hạn và hồ sơ tín dụng của Việt Nam vẫn bị đè nặng bởi tốc độ tái cấu trúc khu vực ngân hàng khá chậm và quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp.