Đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị nông sản


Ngành nông nghiệp Hậu Giang đã và đang mở rộng và phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu và đạt nhiều kết quả.

Kết nối tạo đầu ra cho nông sản được ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh. Ảnh: Hoài Thu
Kết nối tạo đầu ra cho nông sản được ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh. Ảnh: Hoài Thu

Hậu Giang khá thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng cho phát triển nông nghiệp với hệ thống sông, rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ, giàu nguồn lao động. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000ha đất nông nghiệp sản xuất nông lâm thủy sản. Hệ thống giao thông nội tỉnh, liên huyện, liên xã đã được đầu tư nâng cấp nên việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, đi lại của người dân được thuận tiện. Đây là lợi thế và là yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của ngành nông nghiệp nói riêng.

Phát huy tiềm năng thế mạnh, khai thác hiệu quả những thuận lợi, bằng sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp; cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân trên địa bàn, nông nghiệp nông thôn có từng bước phát triển. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; an ninh lương thực được đảm bảo.

Ông Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong những năm qua, Chi cục đã phối hợp với các huyện và thành phố trên địa bàn của tỉnh xây dựng và triển khai về sản xuất theo chuỗi giá trị. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 17 chuỗi được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi cho các sản phẩm chủ lực và đặc thù của tỉnh như: cá thát lát, lúa gạo, mít,  chanh không hạt, lươn, cam xoàn, rau ăn lá, trà mãng cầu…

Riêng trong năm 2023, đã tổ chức hướng dẫn và cấp giấy xác nhận cho 2 chuỗi là Chuỗi tại Công ty CP công nghệ thực phẩm Sáng Tạo sản xuất rau, củ, quả, các loại (mít nguyên liệu, mít sả ớt, khô mít...) và Chuỗi tại Tổ hợp tác rau sạch khí canh Phú Tân, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, sản xuất rau, củ, quả các loại.

Nhằm liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở từ khâu sản xuất ban đầu, thu gom, sơ chế, chế biến đến cơ sở kinh doanh, kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao tính trách nhiệm của mỗi cơ sở đối với chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn có xác nhận cả về quy mô và số lượng, trong năm qua Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình chuỗi (bao gồm chuỗi nông sản và chuỗi thủy sản) và phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Cần Thơ xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm giao thương giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố này.

Bên cạnh đó, còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đang trong quá trình hướng dẫn xây dựng chuỗi trứng gà xác nhận cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện Vị Thủy và phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành A hướng dẫn chuỗi nhãn xác nhận cung ứng thực phẩm an toàn, liên kết tiêu thụ; phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành thực hiện xây dựng chuỗi rau cung ứng thực phẩm an toàn sau thu hoạch. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên rau màu, chuỗi đối với sản phẩm trái xoài, thực hiện chuỗi trên nhãn, chanh không hạt, lươn, cá thát lát…

Qua nhiều năm triển khai thực hiện sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đã dần đi vào nề nếp, giá bán sản phẩm chuỗi nông sản cao hơn so với giá thị trường, thị trường tiêu thụ sản phẩm chuỗi, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn được mở rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Chuỗi cá thát lát tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Cần Thơ... với tổng sản lượng trên 10 tấn/tháng; chuỗi trà mãng cầu với tổng sản lượng cung cấp 300kg/tháng; chuỗi rau đã tiêu thụ được tại các siêu thị và cửa hàng Bách hóa xanh, bếp ăn tập thể; sản phẩm chuỗi chanh không hạt tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang thị trường Hà Lan; chuỗi lươn tiêu thụ tại các tỉnh trong nước và xuất khẩu…

Dù vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cũng cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, giá trị hàng hóa thấp, sản phẩm đơn điệu, ít có sản phẩm xuất khẩu, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao do hầu hết các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu. Tổ chức sản xuất chậm đổi mới, thiếu những tổ chức kinh tế đủ năng lực dẫn dắt nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Liên doanh, liên kết còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, mối liên kết giữa sản xuất - chế biến - bảo quản và tiêu thụ nông sản còn thiếu và không bền vững; chất lượng hàng hóa nông lâm sản chưa đảm bảo ổn định đồng đều; số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn còn thấp.

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nhằm tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của tỉnh cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại tham gia đầu tư phát triển sản xuất, liên doanh liên kết hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao như cá thát lát, lươn, mít, chanh không hạt, lúa gạo,… góp phần phát triển nông nghiệp bền vững thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Xây dựng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung (cá thát lát, lươn, mít, mãng cầu, lúa gạo, rau màu...) được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Mời gọi doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX, hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục hỗ trợ khuyến khích các chuỗi đã được công nhận mở rộng quy mô cả về diện tích và số hộ tham gia nhằm tạo ra nguồn sản phẩm ổn định về  chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ cho việc ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Có chương trình, kế hoạch hỗ trợ, kiểm tra, giám sát các vùng sản xuất chuyên canh nhằm giúp người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định bền vững...

Theo Hoài Thu/ Báo Hậu Giang