Những “điểm sáng” về công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) được xem là định hướng trọng tâm trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký tại Quyết định 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011.
Từ ngày 01/01/2004, ngành Thuế chuyển đổi từ mô hình quản lý chuyên quản sang mô hình quản lý chủ yếu theo chức năng, kết hợp quản lý theo đối tượng, công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT đã được ngành Thuế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong cải cách hệ thống thuế. Theo đó, bộ máy tuyên truyền và hỗ trợ NNT được tổ chức theo hệ thống dọc và chuyên trách từ cấp Trung ương đến địa phương ở 3 cấp:
Thứ nhất, tại Tổng cục Thuế có Ban Tuyên truyền và Ban Hỗ trợ NNT- từ năm 2009 hợp nhất thành Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ NNT - thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT đối với toàn Ngành.
Thứ hai, tại các Cục Thuế có Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT thuộc phạm vi địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.
Thứ ba, tại các Chi cục Thuế có Đội Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT thực hiện công tác nghiệp vụ nội bộ và tuyên truyền, hỗ trợ NNT thuộc phạm vi địa bàn Chi cục quản lý.
Bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ NNT được thiết lập như trên đã từng bước đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ NNT thực thi, chấp hành pháp luật thuế. Hiện nay, có khoảng 3.000 công chức đảm bảo công tác tuyên truyền và hỗ trợ NNT trong toàn Ngành (chiếm khoảng 6,5% tổng số cán bộ, công chức ngành Thuế). Ngành đã từng bước xây dựng được đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền, hỗ trợ đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT. Đồng thời, Ngành cũng đã ban hành các Quy trình tuyên truyền, hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn, nhằm cụ thể hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ và thống nhất cách thức, phương pháp thực hiện trong cả nước.
Năm 2013, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ NNT trong cả nước phải bám sát vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để tuyên truyền thiết thực đến NNT. Từ Tổng cục đến 63 cục thuế địa phương, 695 chi cục thuế trên cả nước đã lập kế hoạch, chương trình công tác năm, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 để cụ thể hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp kịp thời các thông tin, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc của NNT đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đặc biệt là những vấn đề nóng (liên quan đến miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, hoàn thuế...) mà NNT quan tâm.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT đã được ngành Thuế cả nước triển khai thực hiện thường xuyên, theo chương trình, kế hoạch, cụ thể:
Tại 63 Cục Thuế, bộ máy tuyên truyền, hỗ trợ đã tham mưu, chủ trì lập kế hoạch phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương trên địa bàn, nhằm tuyên truyền các văn bản, chính sách mới được ban hành, sửa đổi để NNT hiểu và thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế, chấp hành nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, có khoảng 3.000 công chức đảm bảo công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trong toàn Ngành (chiếm khoảng 6,5% tổng số cán bộ, công chức ngành Thuế). Ngành Thuế đã từng bước xây dựng được đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền, hỗ trợ đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thuế đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ NNT hiệu quả. Cụ thể, tiến hành “Tuần lễ lắng nghe ý kiến NNT” nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp các chế độ, chính sách, vướng mắc về thuế, nâng cao sự minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính cũng như đổi mới trong hoạt động của Ngành. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các Cục Thuế nắm bắt được ý kiến phản hồi của NNT đối với cán bộ, công chức thuế, cơ quan thuế trên địa bàn Cục quản lý nhằm nâng cao chất lượng, thái độ, phong cách phục vụ NNT tại cơ quan thuế các cấp. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện tại các cục thuế địa phương nhằm thực hiện tốt nhất công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT mà Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính giao.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã phát triển hệ thống đại lý thuế qua việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho các cá nhân hành nghề dịch vụ, làm thủ tục về thuế đạt kết quả cao; tổ chức từng bước quản lý hoạt động hành nghề của đại lý thuế; tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế... Ngành sẽ tiếp tục triển khai đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của đại lý thuế, từng bước xã hội hoá dịch vụ hỗ trợ NNT nhằm đáp ứng nhu cầu của NNT cả nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuế đảm bảo thời hạn và chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã thường xuyên rà soát các các biểu mẫu, tờ khai, đơn... để kiến nghị loại bỏ những thủ tục không cần thiết, sửa đổi, bổ sung một số thủ tục, tờ khai, mẫu đơn cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí liên tục chuyển tải chính sách thuế, giải đáp vướng mắc, phản ánh của NNT; mở chuyên mục thuế trên Đài Phát thanh - Truyền hình và các báo ở địa phương với số lượng tin bài ngày càng tăng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của NNT.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tuyên truyền hàng nghìn tin, bài, ảnh đăng trên các báo về công tác thuế. Nội dung tuyên truyền đa dạng, bao trùm hầu hết các sắc thuế (nhất là các chính sách mới, chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước); tuyên truyền về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020”; các dự án cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, hiện đại hoá thu ngân sách; dự án kê khai, nộp thuế điện tử… Ngoài ra, Ngành tiếp tục duy trì giá sách miễn phí, cung cấp các văn bản về chính sách thuế mới cho NNT.
Bên cạnh đó, Ngành đã triển khai tuyên truyền nhiều nội dung chính sách thuế mới đến NNT cả nước như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN số 32/2013/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng số 31/2013/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013; Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân...
Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; Thông tư số 16/2013/ TT-BTC ngày 08/02/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, kê khai thuế qua mạng internet; phí bảo vệ môi trường; hóa đơn và các vấn đề mà doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, vướng mắc cần hỗ trợ, giải đáp, tránh sai sót, rủi ro trong quátrình kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho NNT được toàn Ngành đẩy mạnh và chú trọng, nhằm giúp NNT hiểu đúng để chấp hành, tuân thủ đúng pháp luật thuế. Ngành đã triển khai đồng loạt các hoạt động trên các mặt công tác sau:
Một là, tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chế độ, chính sách thuế hỗ trợ NNT thông qua các Hội nghị đối thoại với DN trong đó lồng ghép việc triển khai chính sách thuế mới ban hành định kỳ hàng tháng, hàng quý. Đồng thời, giải đáp chính sách thuế trực tiếp tại cơ quan thuế, trả lời qua điện thoại; giải đáp, trả lời bằng văn bản;
Hai là, hoạt động tại bộ phận ”một cửa”,”một cửa liên thông”: Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa", tăng cường phối hợp giữa các bộ phận nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT trong việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế;
Ba là, công tác tham gia ý kiến, đóng góp xây dựng văn bản pháp quy: Bộ phận tuyên truyền hỗ trợ NNT tại Cục, Chi cục Thuế cả nước đã tham gia đóng góp ý kiến tích cực vào việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, quy trình quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thuế... (các Luật Thuế GTGT, TNDN sửa đổi, bổ sung, Luật Quản lý thuế, Nghị định, Thông tư hướng dẫn…).
Bốn là, quản lý, vận hành website tại Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế: Bộ phận website cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin trong Ngành, các văn bản pháp quy về thuế, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế lên hệ thống Website Cục Thuế, ngành Thuế.
Năm là, Hỗ trợ NNT kê khai thuế qua mạng internet: ngành Thuế ban hành thông báo NNT nộp hồ sơ khai thuế qua mạng internet gửi đến các tổ chức, DN đóng trên địa bàn. Đến nay, tại 63 tỉnh, thành phố các DN đã áp dụng kê khai qua mạng, góp phần vào quá trình cải cách và hiện đại hoá công tác thu nộp thuế của Ngành. Việc kê khai qua mạng mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước: nhanh chóng, chính xác, không phụ thuộc vào không gian, thời gian kê khai, tiết kiệm chi phí... và cơ quan thuế cập nhật số liệu chính xác, tiết kiệm lao động... Do vậy, các Cục Thuế đã tiếp tục triển khai mở rộng dự án nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng nhằm từng bước giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho NNT. Tính đến nay, cả nước đã có hơn 250.000 DN đăng ký và số DN kê khai qua mạng đạt tỷ lệ trên 90% so với số đăng ký.
Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Thứ nhất, tăng cường bộ máy tuyên truyền, hỗ trợ tại cơ quan thuế các cấp: Chính sách, pháp luật thuế trong thời gian vừa qua có nhiều nội dung mới, khối lượng công việc trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ là khá lớn, trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra (số lượng chỉ chiếm khoảng 6,5% số lượng công chức toàn Ngành). Đội ngũ cộng tác viên, biên tập viên cho trang thông tin điện tử một số Cục Thuế còn chưa đủ, ảnh hưởng đến chất lượng tin, bài (còn hạn chế về nội dung, hình thức chưa đa dạng, phong phú, chuyên nghiệp);
Thứ hai, tích cực triển khai các đề án phục vụ công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT, như Đề án: “Xây dựng tiêu thức phân loại NNT”, Đề án: “Xây dựng cơ chế tham vấn các đại lý thuế, NNT và các bên liên quan về thủ tục hành chính, chính sách thuế để đổi mới và hoàn thiện pháp luật thuế”, Đề án “Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với đại lý thuế”, “Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ NNT”... để đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ NNT một cách khoa học và hiệu quả nhất;
Thứ ba, nâng cao chất lượng của hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống mạng của Ngành được ổn định, khắc phục lỗi của một số chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định trong hệ thống các mẫu biểu kê khai thuế... để hướng dẫn NNT thuận tiện và hiệu quả;
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo gian lận, vi phạm chế độ chính sách thuế nhằm chủ động trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận và sai phạm, tội phạm về thuế, để tạo sự bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao tính tuân thủ trong việc thực thi pháp luật thuế.
Thứ năm, tích cực tổ chức các chương trình, hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ về thuế, chính sách thuế một cách bài bản và hiệu quả, như: “Tuần lễ lắng nghe ý kiến NNT”, các “Hội nghị đối thoại với DN” trong và ngoài nước, “Thuế với học đường”, “Chính sách thuế và cuộc sống”, tuyên dương khen thưởng các DN, NNT tiêu biểu trong việc chấp hành, thực thi tốt pháp luật thuế, có đóng góp tích cực cho NSNN...
Đẩy mạnh tuyên truyền chống thất thu, gian lận thuế
(Tài chính) Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã được ngành Thuế triển khai tích cực, góp phần phổ biến kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật thuế của Nhà nước đến với cho người nộp thuế trên địa bàn cả nước.
Xem thêm