Đẩy nhanh quá trình cải cách của nền kinh tế
(Tài chính) Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản vừa được Chính phủ ban hành là minh chứng cho thấy động lực và quyết tâm cải cách trong các chính sách kinh tế biển của Việt Nam. Đây cũng là một trong những bước đi nhằm xây dựng tiềm lực quốc gia.
Trong ngắn hạn, nhiều khó khăn của nền kinh tế sẽ gặp phải đã được các chuyên gia chỉ ra. Trong báo cáo nghiên cứu thường kỳ nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam vừa công bố, nhóm nghiên cứu đưa dự báo quan hệ kinh tế hai nước nhiều khả năng sẽ theo kịch bản “vừa đấu tranh, vừa hợp tác”. Theo kịch bản này, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Trong nhập khẩu, các doanh nghiệp dựa vào nguyên, vật liệu từ Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Trong xuất khẩu, tình trạng ứ đọng dưa hấu, vải, thanh long tại cửa khẩu biên giới hai nước cho thấy, có thể xảy ra sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu nông sản như cao su, gạo, sắn, hoa quả sang Trung Quốc. Ngoài ra, ngành du lịch có thể chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm lượng khách Trung Quốc.
Trong cái rủi, lại có cái may, tình huống căng thẳng Biển Đông đã đẩy nhanh quá trình cải cách của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là việc cho ra đời các chính sách lớn về phát triển kinh tế biển. Từ đây, một số ngành nghề, như ngành đóng tàu, có thể hưởng lợi nhờ những việc gia tăng đơn đặt hàng. Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIII đã nhất trí cao trong việc quyết định dành 16.000 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách năm 2013 để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản nhằm hướng đến phát triển nghề cá.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, đặc biệt hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tín dụng giá rẻ cho ngư dân là chính sách đúng đắn và cần thiết. Điều quan trọng nữa là phải làm thế nào để ngư dân sử dụng tốt nguồn vốn này. Để làm được điều này, cần kết hợp chặt chẽ giữa ngư dân với đơn vị đóng tàu và tổ chức tín dụng, làm tốt công tác chuyển giao, hướng dẫn việc vận hành, bảo dưỡng, bảo trì tàu sắt, kỹ thuật khai thác hải sản, bảo quản sản phẩm trên tàu cho ngư dân. Bên cạnh việc ưu đãi đóng tàu sắt, cũng cần hỗ trợ ngư dân cả tàu gỗ. Đồng thời, cần tập trung xây dựng một phương thức sản xuất mới cho ngư dân; phát triển hậu cần nghề cá; kết hợp chặt chẽ giữa khai thác hải sản, phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
Từ Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản cho thấy, những câu thúc của tình hình mới và đòi hỏi xây dựng một tiềm lực kinh tế mạnh cho quốc gia đã được trả lời bằng các chính sách thay đổi cụ thể. Và tới đây, Đại hội XII của Đảng hứa hẹn sẽ đưa ra các quyết sách phát triển kinh tế quan trọng cho giai đoạn 2016- 2020. Công cuộc đổi mới nền kinh tế đã bắt đầu “tăng tốc”, cho chúng ta hy vọng vào sự đổi thay tích cực của nền kinh tế đất nước.