Đẩy nhanh tiến độ các cải cách cơ cấu

Thanh Tùng (Báo Đầu tư)

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư về phương hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ các cải cách cơ cấu - Ảnh 1

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam

Quốc hội Việt Nam đã xác định con đường phát triển cho năm 2013, trong đó mục tiêu hàng đầu là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012, và đạt  mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 2012”. Ông có cho rằng mục tiêu này là khôn ngoan hay không và tại sao?

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô hơn nữa, bao gồm cả kiềm chế lạm phát thực sự là những mục tiêu phù hơn cho năm 2013. Những thành quả về ổn định kinh tế vĩ mô đạt được trong năm 2012 theo Nghị Quyết 11 phải được duy trì. Là một phần trong nỗ lực này,  lạm phát đã giảm từ hơn 20 phần trăm trong tháng 8 năm 2011 (so với cùng kỳ năm trước) xuống mức một con số vào năm 2012, và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đang đi đúng hướng để đạt mức lạm phát một con số cho cả năm. Cán cân vãng lai đã thặng dư với xuất khẩu tăng mạnh. Tỷ giá hối đoái đã ổn định trong năm nay và mức dự trữ quốc tế đã tăng lên. Khi lạm phát giảm xuống, các loại lãi suất—lãi suất chính sách, lãi suất huy động và lãi suất cho vay có thể giảm xuống.

Tuy nhiên vẫn còn những thách thức lớn. Tăng trưởng đã chậm hơn trong năm 2012 và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặp nhiều khó khăn để tồn tại. Dù thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào thì tăng trưởng tín dụng rất chậm và hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Thị trường bất động sản đã đóng băng. Thị trường tài chính đã có một số bất ổn liên quan đến các nhân vật quan trọng trong hệ thống ngân hàng những tháng gần đây.

GDP và tăng trưởng tín dụng thấp hơn trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào đã cho thấy các vấn đề trong hệ thống ngân hàng cần phải được giải quyết. Đồng thời, các vấn đề trong hệ thống ngân hàng không thể được giải quyết mà không xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Những nỗ lực để nâng tăng trưởng kinh tế mà không giải quyết các vấn đề cơ cấu này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực, bao gồm cả lạm phát cao quay trở lại và tỷ giá hối đoái bất ổn định. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, sự lựa chọn đúng nên là đẩy nhanh tiến độ các cải cách cơ cấu. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn, nhưng sẽ gieo những hạt giống cho tăng trưởng cao hơn bền vững về dài hạn.

Những khuyến nghị chính sách của IMF để đạt được những kết quả đó là gì?

Để giữ ổn định kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô nên tiếp tục thắt chặt một cách phù hợp trong năm 2013. NHNN phải duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện tại trong thời gian tới. Đồng thời, NHNN phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ áp lực lạm phát, kể cả những áp lực nảy sinh từ giá lương thực và giá nhiên liệu toàn cầu. Mức dự trữ ngoại hối đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức được xem là an toàn hoặc thậm chí đủ để đối phó với những cú sốc lớn bên ngoài. Mặc dù niềm tin vào tiền VNĐ đã tăng lên song vẫn không đủ để đối phó được với sự bất ổn của thị trường tài chính trong và ngoài nước. Vì vậy, cần tăng thêm mức dự trữ quốc tế thông qua chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt một cách thích hợp – cả chính sách tiền tệ và tài khóa và làm cho VNĐ mạnh hơn trong con mắt của công chúng. Để làm được điều này, việc hợp tác chặt chẽ giữa NHNN và Bộ Tài chính là hoàn toàn cần thiết.

Những nỗ lực ổn định cần được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa. Trong năm 2012, nền kinh tế yếu kém và các biện pháp kích thích kinh tế về thuế đã làm giảm thu nội địa và thu ngân sách từ thương mại đã giảm do nhập khẩu yếu. Thu ngân sách từ dầu tiếp tục mạnh nhờ giá dầu thuận lợi. Chi ngân sách nhìn chung là theo dự toán ngân sách 2012 mặc dù đã có sự dịch chuyển một phần chi thường xuyên sang chi xây dựng cơ bản. Dựa trên những diễn biến này và kế hoạch tăng chi xây dựng cơ bản năm 2012, thâm hụt tài khóa có thể bị nới rộng  dưới 5½ phần trăm một chút trong năm 2012 trước khi thu hẹp xuống khoảng 4 phần trăm trong năm 2013 (theo định nghĩa của Sổ tay Thống kê Tài Chính Chính phủ 2001). Thâm hụt ngân sách được dự kiến ​​trong năm 2013 có vẻ phù hợp.

Tuy nhiên, cải cách cơ cấu cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ và phải trích lập dự phòng cho chi phí  cấp vốn bổ sung cho ngân hàng và tái cơ cấu và cải cách các DNNN, kể cả hậu quả của việc dôi dư lao động có thể xảy ra. Theo kinh nghiệm quốc tế trước đây, cải cách DNNN thường kèm theo nợ dự phòng lớn.

Truyền thông cũng rất quan trọng để công chúng và thị trường hiểu một cách đúng đắn về những hành động chính sách của chính phủ. Việc kêu gọi nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô thường nảy sinh ở nhiều quốc gia cũng trong hoàn cảnh mà Việt Nam đang trải qua. Tuy nhiên, Việt Nam không còn nhiều không gian chính sách để thực hiện các chính sách nới lỏng hơn nữa. Quản lý chính sách đúng đắn cần đứng trên áp lực và giải thích cho công chúng hiểu rằng hy sinh trong ngắn hạn sẽ tạo điều kiện cho những lợi ích lớn hơn về lâu dài.

Chính phủ đã rất chú trọng đến việc thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế. Theo ý kiến của ông thì vẫn đề này cho đến giờ đã được thực hiện như thế nào, và những thách thức trong nỗ lực này là gì? Việc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam quan trọng như thế nào đối với các đối tác nước ngoài như IMF?

Tiến độ cải cách khu vực ngân hàng chậm hơn so với yêu cầu. Liên quan đến việc này thì tiến độ cải cách các DNNN nhằm xây dựng nền tảng cho tăng trưởng cao hơn trong tương lai cũng đã chậm hơn mức cần thiết.

Khu vực ngân hàng. Những yếu kém và sự không minh bạch trong khu vực ngân hàng làm suy yếu sự ổn định và sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng. Sau sự bùng nổ  tín dụng mở rộng và cho vay  DNNN có liên quan, hệ thống ngân hàng hiện đặc trưng bởi chất lượng tài sản kém, trích lập dự phòng thiếu và mức an toàn vốn không đủ. Các thành viên thị trường rất mơ hồ về mức nợ xấu. Mặc dù các ngân hàng báo cáo nợ xấu của họ vào khoảng 4½ phần trăm, nhưng giám sát từ xa của NHNN lại ước tính ở mức cao hơn nhiều là 8¾ phần trăm. Nợ xấu được tập trung ở các DNNN, đặc biệt là những DNNN có liên quan đến bất động sản. Ước tính chính thức cho thấy tỷ lệ chuyển sang nợ xấu đã giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2012, nhưng điều này cũng có thể là do việc chuyển các khoản nợ xấu thành các khoản nợ thông thường mãi mãi không mong muốn. Do triển vọng tăng trưởng kém  hơn và sự cần thiết phải cải cách và củng cố khu vực ngân hàng đến năm 2015, nợ xấu chắc còn tăng  nữa.

Mặc dù  có các đề xuất cải cách, sáp nhập các ngân hàng yếu kém vào cuối năm 2011 và giữa năm 2012, những cuộc thảo luận gần đây về một công ty quản lý tài sản để giải quyết vấn đề nợ xấu và những nỗ lực tăng cường quản lý rủi ro và quản trị tại các ngân hàng thì vẫn còn cần có chiến lược xử lý ngân hàng toàn diện và  cụ thể rõ ràng. Hơn nữa, tiến độ thực hiện các kế hoạch hiện tại còn  chậm chạp. Cấp thiết phải có một kế hoạch xử lý thực tế dựa trên thanh tra ngân hàng tại chỗ kỹ lưỡng, việc thanh tra này sẽ cho biết mức độ thực sự các tổn thất và nhu cầu về  cấp vốn bổ sung. Kế hoạch xử lý này cần phân biệt giữa các ngân hàng thiếu thanh khoản với các ngân hàng mất khả năng thanh toán, buộc các cổ đông hiện tại chấp nhận lỗ trước khi được bơm vốn mới và loại bỏ các tài sản xấu. Những trì hoãn cải cách ngân hàng hơn nữa sẽ tăng khả năng làm tăng các khoản nợ dự phòng và tạo các rủi ro cho sự bền vững nợ công.

Một phần đáng kể của các khoản cho vay của khu vực ngân hàng là cho các tập đoàn kinh tế và DNNN vay. Các vấn đề của hệ thống ngân hàng không thể được giải quyết mà không đối phó với các vấn đề của khách hàng vay  các ngân hàng. Vì vậy, cải cách các tập đoàn kinh tế và các DNNN là quan trọng. Bước đầu tiên là cần công bố công khai tình hình tài chính thực sự của các tập đoàn kinh tế và các DNNN, kể cả báo cáo thu nhập, bảng cân đối kế toán được kiểm toán và việc vay mượn của các tập đoàn, các DNNN này từ hệ thống ngân hàng. Những doanh nghiệp này sử dụng  công quỹ cho các hoạt động của họ nên công chúng cần được thông báo về các hoạt động của các doanh nghiệp đó. Một khi tình hình tài chính thực sự của các doanh nghiệp này đã được công bố, thì có thể thực hiện các bước cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị của họ. Các kế hoạch này phải được xây dựng và triển khai thực hiện trong thời gian nhất định.

Đẩy mạnh tiến độ cải cách sẽ làm tăng niềm tin của các đối tác nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam và sẽ giúp nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam do các tổ chức nước ngoài xếp hạng. Việc này sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm luồn vốn FDI và các luồng vốn khác để giúp nền kinh tế hoàn toàn đáp ứng nhu cầu về đầu tư lớn.

Hội nghị Nhóm Các Nhà Tài trợ cho Việt Nam có chủ đề “Tạo Nền Tảng Cho Phát Triển Bền Vững”. Điều này có ý nghĩa gì cho Việt Nam?

Trong một vài  năm qua và trước khi tăng trưởng chậm lại gần đây, nền kinh tế đã tăng trưởng ở những mức không bền vững và tính dễ bị tổn thương dồn tích lại theo thời gian. Những điểm yếu này và những hạn chế về cơ cấu đã làm giảm triển vọng tăng trưởng về trung hạn của Việt Nam. Hội Nghị Các Nhà Tài Trợ Năm 2012 đã tập trung rất đúng vào những cải cách cơ cấu để Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn về lâu dài. Cũng cần phải thúc đẩy tăng trưởng công bằng và toàn diện hơn để lợi ích của việc tăng trưởng và phát triển thực sự được chia sẻ cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam ngay bây giờ phải hành động nhanh và dứt  khoát để thực hiện các chương trình cải cách và đáp ứng kỳ vọng của công chúng.

Xin cám ơn ông.