Để 5% người dân đầu tư chứng khoán
Với 2,2 triệu tài khoản được mở trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (trong đó có gần 30.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài), tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia TTCK hiện khoảng 2%. Tỷ lệ này, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Ðề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025 mới đây, cần tăng lên mức 3% vào năm 2020 và 5% vào năm 2025.
Hai mục tiêu quan trọng nhất mà Ðề án đặt ra là tăng quy mô (thị trường cổ phiếu lên 100% GDP vào năm 2020; 120% GDP vào 2025) và tăng lượng nhà đầu tư tham gia thị trường.
Ðề án cũng yêu cầu phải đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam.
Ðể tăng quy mô thị trường, Ðề án yêu cầu thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và phải xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa. Cùng với đó, đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ đều phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK chính thức.
Nhiều sản phẩm mới, không gian phát triển mới cho trái phiếu doanh nghiệp, phái sinh, trái phiếu xanh… cũng được lên kế hoạch trong đề án này, để góp sức tăng quy mô TTCK Việt Nam.
Nếu mục tiêu tăng quy mô được hỗ trợ bởi nhiều giải pháp cụ thể, vậy mục tiêu tăng lượng nhà đầu tư tham gia TTCK sẽ phải thực hiện như thế nào? Theo Ðề án trên, sau 1 năm nữa, TTCK cần phải có thêm 1 triệu nhà đầu tư mới. Câu chuyện đưa chứng khoán đến gần với người dân hơn, đến với dân không phải bằng tư duy chơi chứng khoán mà là tham gia một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, như thông điệp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đầu năm 2019, đang chờ đợi những giải pháp hiệu quả để thực thi.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá TTCK thì giải pháp mới được Ðề án nêu ra là nhà quản lý sẽ xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động giao dịch chứng khoán, dựa trên công nghệ tài chính mới. Theo đó, các hoạt động giao dịch tự động, quản lý danh mục đầu tư tự động, tư vấn tự động… sẽ được mở đường phát triển trong thời gian tới.
Công cụ hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường sẽ nhiều hơn, nhưng yếu tố quan trọng nhất giúp TTCK lớn về lượng và bền với thời gian, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK, phải là chất lượng hàng hóa. Ðây là điểm TTCK Việt Nam cần phải có nhiều sự cải tổ trên thực tế 1.500 doanh nghiệp trên sàn nhưng mức độ minh bạch, chất lượng quản trị công ty, khả năng phát triển bền vững mới loanh quanh điểm trung bình.
Thủ tướng Chính phủ từng đánh giá: “Nếu TTCK chỉ có đầu tư lướt sóng thì không bao giờ thực hiện được sứ mệnh là kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế”.
Trên con đường tương lai, với sự hỗ trợ của công nghệ, số tài khoản tham gia TTCK chắc chắn sẽ tăng mạnh. Mục tiêu 3% hay 5% dân số tham gia TTCK có thể sẽ đạt được, nhưng cái lõi của thị trường là chất lượng hàng hóa, là niềm tin, là sự minh bạch cũng cần đạt được thì TTCK mới lành mạnh, mới mang lại giá trị thực cho nền kinh tế Việt Nam.