Mục tiêu Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020


Ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".

Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".  Nguồn: Internet
Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Nguồn: Internet

Năm 2020, 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ

Đối với thị trường bảo hiểm, tại Đề án được phê duyệt, Chính phủ đặt mục tiêu đối với thị trường bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025; Đến năm 2020 có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%...

Ngoài ra, Quyết định còn quy định nguyên tắc, các giải pháp cụ thể cơ cấu lại thị trường bảo hiểm. Theo đó, Đề án đưa ra một số giải pháp chung như đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Đề án yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Đối với việc nâng cao tính minh bạch thông tin, Đề án yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và tương ứng một cách kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh kỷ luật của thị trường, đồng thời giúp mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ về doanh nghiệp bảo hiếm, về các loại rủi ro tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý rủi ro.

Với giải pháp phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, Đề án yêu cầu phát triển đa dạng các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiếm một cách dễ dàng, chuyên nghiệp nhất,…

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; Chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2020; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp bảo hiểm; tăng cường vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm,…

Quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020

Việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị trí của thị trường chứng khoán và bảo hiểm; Mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.

Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025.

Đề án đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán gồm: - Hoàn thiện cơ sở pháp lý; - Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; - Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; - Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; - Cơ cấu lại tổ chức thị trường; - Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; - Giải pháp nâng hạng thị trường, và cuối cùng là Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.

Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành trình Quốc hội và Chính phủ ban hành; sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; Xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin, thanh tra, giám sát giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tập đoàn tài chính - ngân hàng, các giao dịch tài chính và dòng lưu chuyển vốn giữa các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần thực hiện các nhiệm vụ sau: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; Rà soát, sửa đổi các quy chế về xếp loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, về thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán, về quản trị công ty đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán; Thực hiện các giải pháp và tăng cường trao đổi, thiết lập quan hệ thường xuyên với các tổ chức có liên quan nhằm sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; Xây dựng cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin toàn thị trường; hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ trung tâm và triển khai, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trong năm 2019....