Để chính sách hỗ trợ ngư dân hiệu quả
(Tài chính) Trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, Nhà nước đã kịp thời có những chính sách cho vay hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, để những chính sách này phát huy hiệu quả cao nhất thì rất cần những quy định cho vay cụ thể, chặt chẽ và khả thi.
Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã quyết định dành 16.000 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách năm 2013 để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Ngân hàng Nhà nước cũng dự định dành khoảng 10.000 tỷ đồng thực hiện chính sách tín dụng đối với ngư dân vươn khơi bám biển theo tinh thần dự thảo Nghị định Về một số chính sách phát triển thủy sản sắp được Chính phủ ban hành. Theo dự thảo Nghị định, nếu đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, đóng tàu vỏ gỗ được vay đến 70% trong 7 năm. Lãi suất dự kiến 3%/năm và thời gian ân hạn 1 năm. Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu xem xét có thể cho ngư dân vay với lãi suất đến 0% đối với các mô hình có thể quản lý tốt.
Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân. Năm 1997, Chính phủ triển khai chương trình đánh bắt xa bờ tại 29 tỉnh. Chương trình đã giải ngân được hơn 1.300 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên đến nay mới thu hồi được hơn 140 tỷ đồng. Qua kiểm tra 991 tàu với số vốn vay hơn 895,8 tỷ đồng thì số tiền sai phạm chiếm tới 110 tỷ đồng, trong đó, 12 tỷ đồng bị tham ô, cố ý làm trái, chiếm dụng, chiếm đoạt... Trong số 1.382 tàu đóng mới hoặc cải hoán có công suất từ 90 mã lực trở lên, chỉ 390 tàu hoạt động hiệu quả, còn lại 520 tàu hoạt động không hiệu quả, gần 250 chiếc đang nằm bờ, còn lại là mất tích, chìm, đắm...
Nguyên nhân khiến chương trình không đạt hiệu quả được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thừa nhận là khi cho vay vốn, cán bộ tín dụng đã không kiểm tra được năng lực của người vay, cũng như kiểm soát dòng vốn. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án (chủ tàu) trong nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không có kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm khai thác hải sản xa bờ và kinh nghiệm quản lý. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác được lựa chọn phê duyệt đều mới thành lập sau khi Chính phủ có chủ trương cho vay vốn ưu đãi để đầu tư. Việc thành lập các hợp tác xã này chỉ là hình thức, sau một thời gian, hợp tác xã và tổ hợp tác chỉ còn chủ nhiệm hoặc kế toán mà không còn xã viên.
Ngược lại, một số chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian qua không đến được với đối tượng hướng đến. Ví dụ như, tại Hải Phòng, năm 2010, HĐND thành phố đã ra Nghị quyết 14 về chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho ngư dân vay 400 triệu đồng đóng tàu mới và 250 triệu đồng cải hoán tàu trong thời hạn 36 tháng. Ngay sau đó, UBND thành phố có Quyết định thực thi Nghị quyết của HĐND và liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư có hướng dẫn với quyết tâm tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho ngư dân tiếp cận vốn vay gói ưu đãi này. Nhưng đến năm nay, số tàu đóng mới không quá 5 chiếc và dư nợ chưa đầy 2 tỷ đồng. Ngư dân chưa tiếp cận được nguồn vốn này là bởi các ngân hàng đặt ra yêu cầu quá khắt khe. Muốn tham gia gói ưu đãi lãi suất thì phải trả hết số nợ còn trong ngân hàng và phải có hóa đơn đối với các thiết bị đầu tư trên tàu. Trong khi thực tế là phần nhiều ngư dân mua thiết bị trôi nổi trên thị trường hoặc mua lại của chủ tàu khác nên không có hóa đơn đỏ.
Khi chủ quyền trên biển bị đe dọa bởi những hành động gây hấn của Trung Quốc, càng thấy vai trò của ngư dân – những chiến sỹ không quân hàm bảo vệ chủ quyền trên tuyến đầu. Việc hỗ trợ ngư dân tại thời điểm này rất cần thiết và cần kịp thời, nhưng làm thế nào để bảo đảm hiệu quả đồng vốn? Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để tính toán đối tượng được tham gia, thủ tục thế nào để nhanh nhất, thuận lợi nhất, với những trường họp đã từng vay hay những trường hợp khác sẽ có chính sách cụ thể.
Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1/7, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, chủ trương của Chính phủ là chính sách đưa ra phải đến được với dân. Hy vọng, với quyết tâm của Chính phủ, sẽ có những quy định vay vốn cụ thể, chặt chẽ và khả thi, đáp ứng mong muốën của ngư dân và cử tri cả nước.