Để chính sách phát triển thủy sản nhanh chóng đi vào cuộc sống

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Ngày 07/07/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định số 67 ra đời, với các chính sách căn cơ hơn để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Tuy nhiên, để Nghị định có thể nhanh chóng và hiệu quả đi vào cuộc sống, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Để chính sách phát triển thủy sản nhanh chóng đi vào cuộc sống
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Nguồn: internet

Những điểm mới của Nghị định 67

Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.

Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.

Điểm mới quan trọng thứ hai là quan điểm khuyến khích đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, trong đó ưu tiên hơn cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu dịch vụ hậu cần này là yếu tố cơ bản để cho một đội tàu khai thác xa bờ hoạt động hiệu quả.

Đi vào cụ thể, chính sách tín dụng được Chính phủ xây dựng trên quan hệ tín dụng thương mại, không phải việc lấy tiền từ ngân sách nhà nước cho ngư dân đóng tàu một cách ồ ạt. Ngư dân và các ngân hàng thương mại làm việc với nhau, tính toán bài toán kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay,...

Đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định quy định dải mức lãi suất hết sức ưu đãi, cụ thể là từ 1- 3%/năm, có thể nói mức lãi suất thấp nhất hiện giờ, thời gian vay dài là 11 năm. Hạn mức cho vay cũng hết sức cao từ 70- 95% giá trị đóng mới tàu.

Chính sách cho ngư dân vay vốn lưu động tại Nghị định này cũng thể hiện tính đồng bộ trong chỉ đạo của Chính phủ. Trên thực tế vừa qua, có nhiều ngư dân có điều kiện kinh tế khó khăn tới mức phải vay “nóng” để trang trải cho gia đình mình trong quãng thời gian đi biển. Điều này gây hạn chế cho việc ra khơi, nhất là ra khơi xa, đánh bắt dài ngày của bà con. Do vậy, chính sách  vay vốn lưu động cho ngư dân sẽ khắc phục được bất cập này trong đánh bắt thủy sản xa bờ.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thân tàu và thuyền viên với thủ tục nhanh gọn nhất cũng sẽ giúp ngư dân của chúng ta an tâm bám biển hơn.

Để chính sách đi nhanh vào cuộc sống

Ngày 22/8/2014, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động làm thí điểm, sau đó nhân rộng cho vay đóng mới, cải hoán tàu ở khu vực của mình. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phải báo cáo kịp thời để Bộ, ngành liên quan tháo gỡ.

Các thông tư hướng dẫn phải thể hiện rõ ngư dân, chủ tàu là người quyết định hoạt động nghề cá của mình dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, ngư dân có quyền lựa chọn ngân hàng để vay, được quyền tham gia vào thiết kế mẫu tàu…

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khi xây dựng kế hoạch 5 năm (2016- 2020) phải bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng nghề cá cao hơn năm trước. Các địa phương rà soát công trình hạ tầng trọng tâm để Trung ương ứng vốn thực hiện trước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thêm Nghị định 67 không thể cho ngư dân vay để trả nợ việc đóng tàu sắt trước đây vì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cấp, đóng tàu mới theo khoản ngân sách đã được Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, Nghị định 67 cũng không hỗ trợ cho hoạt động thu mua, chế biến hải sản mà chỉ phục vụ trực tiếp cho chủ tàu, doanh nghiệp có hoạt động nghề cá.

Cũng tại Hội nghị ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, số lượng tàu đánh bắt xa bờ không vượt qua con số 2.097 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần cho cả nước.

Đồng thời, Bộ cũng phân bổ cụ thể từng địa phương được đóng bao nhiêu tàu cá đánh bắt xa bờ, bao nhiêu tàu dịch vụ hậu cần. Đơn cử, thành phố Hải Phòng chỉ đóng thêm 36 tàu cá và 6 tàu dịch vụ hậu cần; Nam Định là 30 tàu cá, 4 tàu dịch vụ; Bình Định là 280 tàu cá, 25 tàu dịch vụ; Quảng Ngãi là 172 tàu cá, 15 tàu dịch vụ; Phú Yên là 170 tàu cá, 20 tàu dịch vụ…

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, không tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ và không phải nghề đánh bắt xa bờ nào cũng đẩy mạnh phát triển vì phải đảm bảo phù hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phù hợp với quy hoạch phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đề nghị tăng lượng đánh bắt ở 5 nghề: câu, vây, rê, chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện sản lượng đánh bắt thủy sản theo quy định là là 2,2 triệu tấn/năm, trong đó đánh bắt gần bờ là 0,8 triệu tấn, còn đánh bắt xa bờ là 1,4 triệu tấn”, Bộ trưởng Phát chỉ rõ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về điều kiện cho vay ưu đãi đóng tàu xa bờ để các địa phương căn cứ thực hiện, xây dựng chương trình đào tạo nghề cho ngư dân, trong đó ưu tiên đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân với những kỹ năng đặc thù của mỗi nghề.

Trước băn khoăn khi địa phương đã phê duyệt đối tượng ưu đãi đóng tàu cá nhưng ngân hàng thương mại không đồng ý thì phải giải quyết vấn đề này thế nào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, khi xét duyệt đối tượng, các địa phương cần tham khảo ý kiến của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Sau đó chi nhánh Ngân hàng Nhà nước sẽ có chỉ đạo tới từng ngân hàng thương mại tiếp cận với người vay và cho vay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối chủ động tham gia chương trình, đây là những đơn vị chủ lực thực hiện Nghị định 67.