Để doanh nghiệp "vượt rào" xuất khẩu xanh vào EU

Trần Huyền

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Do đó, việc EU thực hiện các chính sách xanh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Bối cảnh này đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải có những thích ứng kịp thời để "vượt rào" xuất khẩu xanh vào EU.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường. Ảnh: internet
Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường. Ảnh: internet

Nhiều rào cản từ yêu cầu "xanh"

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, sau 4 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ tháng 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%.

Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10%. EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, EU đã ban hành nhiều chính sách xanh để thực hiện những nỗ lực về chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Điển hình như: Quy định về chống phá rừng (EUDR); Cơ chế điều chỉnh các - bon tại biên giới (CBAM); Quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật; Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững; Chỉ thị về tuyên bố xanh...

Các chính sách trên có tác động rất lớn đến các thị trường nhập khẩu của EU, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, do mối quan hệ chặt chẽ trong quan hệ thương mại của Việt Nam và EU, tác động của CBAM đối với Việt Nam có thể trở nên đáng kể hơn nếu phạm vi áp dụng CBAM được mở rộng sang các loại hàng hóa khác trong tương lai khi CBAM được áp dụng toàn diện (2034). Doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại EU bởi đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng CBAM, tránh bị đánh thuế phát thải.

Hay như quy định EUDR, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho hay, quy định này đòi hỏi thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh sản phẩm không bị chặt phá rừng và hợp pháp, như tọa độ vị trí địa lý, số lượng, quốc gia sản xuất... Trước khi đưa sản phẩm vào thị trường EU, nhà nhập khẩu phải thực hiện thẩm định và chỉ những sản phẩm tuân thủ mới có thể được đưa vào thị trường EU.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), EUDR yêu cầu 100% sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỉ lệ này còn thấp, trong khi chi phí định vị lại cao. EUDR cũng yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng nhưng quy mô này ở nước ta lại nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi giá trị phức tạp với nhiều lớp trung gian; chi phí phát sinh rất lớn...

Chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường. Từ các sản phẩm nông nghiệp đến công nghiệp, tất cả đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững cao nhất. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Chủ động thích ứng với những yêu cầu "xanh" của EU, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh của EU sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập các thị trường khác trên thế giới cũng đang đặt mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi xanh còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh; góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam.

Đánh giá về tác động của các chính sách xanh của EU với Việt Nam, theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, việc tăng chi phí sản xuất khi tuân thủ CBAM là một thách thức. Tuy nhiên, EU áp dụng CBAM với các thị trường bên ngoài sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải, giảm chi phí tiêu tốn năng lượng, tối ưu hóa quy trình và tăng năng suất chất lượng sản phẩm.

Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, mục tiêu của quy định EUDR được đề xuất nhắm vào những mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và sản phẩm gỗ… Do đó, ông Kiên cho rằng, Việt Nam cần có một khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng của EU để doanh nghiệp có thể tự tin xuất khẩu xanh sang thị trường này như: xây dựng khung hợp tác công tư trong EUDR; tuyên truyền, vận động; các giải pháp kĩ thuật; xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU về EUDR và các quy định khác; huy động nguồn lực...

Để tận dụng các cơ hội và tiếp tục xuất khẩu vào thị trường EU, việc hiểu và tuân thủ đầy đủ các quy định xanh ở thị trường là đặc biệt quan trọng với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu, thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định cụ thể áp dụng cho từng loại sản phẩm; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình, từ đó có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động sớm để dần thích ứng, bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

Cùng với doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức có liên quan có thể hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các tiêu chuẩn xanh của EU thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết theo nhóm sản phẩm cụ thể. Đồng thời, cần tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam.