Ngành Gỗ vượt thách thức để đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết (NN&PTNT), năm 2024, mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỷ USD, với gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.
Tình hình xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đã có tín hiệu phục hồi, đạt 9,36 tỷ USD, bằng 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.
Nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao. Riêng thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24%; Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Giá trị xuất siêu ước đạt 7,857 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023, ngành Gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Mục tiêu đạt 15,2 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024 của ngành Lâm nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do những biến động kinh tế toàn cầu và xung đột chính trị leo thang. Ngoài ra, chi phí vận tải biển tăng cao cũng gây thêm áp lực cho ngành.
Theo nhận định của ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kinh tế thế giới năm 2024 chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng năm 2023.
Phân tích cụ thể tình hình các thị trường xuất khẩu, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành Gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp. Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.
Với thị trường Liên minh châu Âu (EU), Quy chế Chống mất rừng (EUDR) dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thị trường Đông Bắc Á, cũng đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước những khó khăn này, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, giải pháp của ngành Gỗ Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên năm trụ cột chính gồm: Kỹ thuật, công nghệ sản xuất; Giảm phát thải; Quản trị (chuyển đổi số); Xúc tiến thương mại và Xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.
Ngành Gỗ cũng kiến nghị và phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra thương mại từ Hoa Kỳ; cập nhật thông tin chính sách từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ phòng cháy chữa cháy cho các nhà máy chế biến gỗ; quản lý hội chợ chuyên ngành, xây dựng các hội chợ tầm quốc tế...
Ngành chế biến gỗ và lâm sản cũng sẽ thường xuyên theo dõi, tổng hợp, thu thập thông tin kịp thời về tình hình chế biến gỗ và thị trường tiêu thụ lâm sản trên thế giới và trong nước, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất, nhập khẩu lâm sản để chủ động phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêm cực do các vụ kiện gây ra; tiếp tục ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024.