Thực trạng cơ chế quản lý hoạt động sự nghiệp công

Thực hiện lộ trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị SNCL; Đồng thời đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công với ưu đãi cao hơn, nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội, hình thành và phát triển hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập.

Qua thực tế triển khai cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ là đúng hướng và đạt được một số kết quả như: Tạo quyền tự chủ, chủ động cho đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính; Từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý ở cấp trên; Thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp đã gắn với hiệu quả chất lượng công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ...

Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của các đơn vị SNCL còn gặp phải một số hạn chế sau:

Thứ nhất, về nhận thức, tư tưởng và công tác tổ chức thực hiện: Nhận thức của người dân, xã hội về đổi mới hoạt động của đơn vị cung ứng dịch vụ công lập và xã hội hoá còn hạn chế, chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; Trình độ và tư duy của đội ngũ cán bộ về công tác quản lý, quản trị nội bộ ở nhiều đơn vị SNCL chậm đổi mới, còn tư duy bao cấp;

Thứ hai, chính sách hai giá vẫn được duy trì trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dẫn đến sự quá tải đối với các đơn vị SNCL;

Thứ ba, đối với các đơn vị SNCL: Cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ SNCL chưa được đổi mới đồng bộ dẫn đến chất lượng và hiệu quả cung ứng các dịch vụ sự nghiệp còn hạn chế; Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của từng lĩnh vực sự nghiệp chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; Một số đơn vị SNCL trong quản lý tài chính chưa đảm bảo theo các nguyên tắc hạch toán kinh tế đầy đủ. Quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa thật sự khuyến khích người lao động; Một số đơn vị SNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu...

Định hướng đổi mới sự nghiệp công lập

Để quản lý hoạt động của các đơn vị SNCL đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục tạo hành lang, pháp lý thông thoáng cũng như có cơ chế chính sách tài chính đối với loại hình dịch vụ này.

Bên cạnh đó, Thông báo số 37-TB/TW ngày 26/05/2011 của Bộ Chính trị kết luận về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị SNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” đã nhấn mạnh:

Một là, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội.

Hai là, Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công cơ bản; Đảm nhiệm vai trò cung cấp một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công có tính chất thiết yếu, đồng thời thực hiện đồng bộ các chính sách thúc đẩy xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội tham gia phát triển các dịch vụ sự nghiệp công đặt dưới sự giám sát và quản lý của Nhà nước.

Ba là, Nhà nước đảm bảo kinh phí để các đối tượng chính sách, gia đình có công và người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; Đối với các đối tượng còn lại, thực hiện chính sách chia sẻ chi phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công...

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, hoàn thiện thể chế về cơ cấu và phương thức đầu tư của NSNN. Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị SNCL ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng miền núi, biên giới và hải đảo; Thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn.

Hai là, hoàn thiện thể chế về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL. Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị SNCL đồng bộ cả về tổ chức, thực hiện nhiệm vụ và tài chính. Trước mắt thực hiện thí điểm đối với nhóm các đơn vị SNCL có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động như các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện. Thực hiện minh bạch các hoạt động liên doanh, liên kết; Khắc phục tình trạng công - tư lẫn lộn.

Ba là, hoàn thiện thể chế về cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Cùng với đó, đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; Từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp, phù hợp với thị trường và khả năng của NSNN.

Bốn là, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Năm là, tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường.

Kiến nghị về chính sách

Trong phạm vi bài viết, tác giả mạnh dạn đưa ra một số khuyến nghị chính sách như sau:

Thứ nhất, cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các nội dung đổi mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tổ chức, cơ chế quản lý đối với lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của bộ, ngành. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của ngành, lĩnh vực và tiêu chí kiểm tra, giám sát chất lượng cung ứng dịch vụ. Trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách về đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị SNCL.

Thứ hai, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành sớm có văn bản đề xuất các nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tổ chức tổng thể chung của ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó Bộ Tài chính có căn cứ để nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ theo hướng quy định khung các vấn đề then chốt, có tính chất chung.

Thứ ba, có các biện pháp mạnh hơn trong việc yêu cầu các bộ, ngành thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế giao dự toán sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Hiện nay, trong dự toán NSNN hàng năm giao cho các bộ, ngành, bên cạnh dự toán kinh phí chi thường xuyên (chi lương và chi hoạt động bộ máy), các bộ còn được giao dự toán để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nhưng không gắn với số lượng và chất lượng cung cấp nhiệm vụ.

Theo đó, để có biện pháp mạnh hơn trong việc yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (đặt hàng, giao nhiệm vụ), đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thực hiện áp dụng cơ chế theo hướng: Từ năm 2014, nếu bộ, ngành nào chưa thực hiện chuyển đổi, Bộ Tài chính chỉ thẩm định phân bổ dự toán chi thường xuyên (chi lương và hoạt động bộ máy); Đối với các nội dung dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ công khác, sẽ chỉ phân bổ sau khi các bộ, ngành đã có phương án chuyển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế giao dự toán sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Để đổi mới hiệu quả cơ chế quản lý hoạt động sự nghiệp công lập

ThS. NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG

(Tài chính) Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, Nhà nước đã ban hành các văn bản chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cải cách hành chính Nhà nước, đến nay, kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với nhu cầu của xã hội...

Xem thêm

Video nổi bật