Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(Tài chính) Điều đặc biệt của Nghị quyết 19 là đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, từ đó giao trách nhiệm đối với các bộ, ngành với mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2014-2015 đạt được một số mức chỉ tiêu trung bình của ASEAN-6.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Hoạt động ngoại thương ngoài điều kiện hạ tầng cần có năng lực “mềm” cạnh tranh quốc gia. Nguồn: internet

Một trong những điểm nhấn quan trọng mà Nghị quyết 19/NQ-CP do Chính phủ vừa ban hành ngày 17/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nguy cơ tụt hậu của Việt Nam đang gia tăng.

Theo đánh giá và xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực; ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN và nhìn chung là chậm được cải thiện.

Vì vậy, Nghị quyết 19 ra đời dựa trên những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế nhằm cải thiện các vấn đề đang là rào cản nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Điều đặc biệt của Nghị quyết 19 là đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, từ đó giao trách nhiệm đối với các bộ, ngành với mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2014-2015 đạt được một số mức chỉ tiêu trung bình của ASEAN-6.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm rà soát, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu khác liên quan nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp; Triển khai một cửa liên thông, minh bạch thông tin để các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ tiếp cận; Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng.

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ cơ quan, địa phương cải cách quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian mà các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm (thời gian này của Việt Nam trong năm 2013 là 876 giờ/năm).

Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuống bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6: thời gian xuất khẩu là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày (mức thời gian này ở Việt Nam trong năm 2013 là 21 ngày đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu).

Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu các thủ tục, thời gian và chi phí tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày so với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 hiện là 50,3 ngày.

Bộ Khoa học và Công nghệ có cơ chế, chính sách hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Các bộ, ngành phối hợp đề ra các quy chế bảo vệ nhà đầu tư vào Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế.

Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng và dịch vụ cảng biển, giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cải thiện hệ thống dịch vụ logistic, giảm chi phí các dịch vụ vận tải xuống ngang bằng so với mức trung bình của các nước ASEAN-6.

Ngoài ra, các bộ, ngành, cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phù hợp với lĩnh vực quản lý của từng đơn vị.

Để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Nghị quyết 19 yêu cầu đến hết ngày 30/4/2014, các bộ, cơ quan, địa phương phải báo cáo kế hoạch hành động với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh để trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì và dự kiến các bước thực hiện, có kế hoạch chi tiết ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành, các kết quả dự kiến đạt được theo các mốc thời gian và phân tích rõ các hệ quả phát sinh.

Định kỳ 6 tháng và 1 năm, phải tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình hành động, Chương trình công tác của Chính phủ, của bộ, cơ quan, địa phương. Trước ngày 31/12 hàng năm, báo cáo và đánh giá về năng lực cạnh tranh của bộ, cơ quan, địa phương, để tổng hợp, xây dựng báo cáo đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, báo cáo Chính phủ.

Việc ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh của Việt Nam trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều này cũng đồng thời thể hiện sự tiếp thu các khuyến nghị, đóng góp của cộng đồng quốc tế và nhanh chóng hiện thực hóa thành các chủ trương, đường lối cụ thể.

Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là điều hành công cụ chính sách tiền tệ hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô để ổn định hoạt động của thị trường tiền tệ; thực hiện các giải pháp để cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.