Để nâng “chất” thanh tra bảo hiểm

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Lần đầu tiên, chương trình đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành bảo hiểm dành cho công chức làm công tác quản lý và giám sát bảo hiểm được triển khai.

Để nâng “chất” thanh tra bảo hiểm
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông qua chương trình đào tạo này, kỳ vọng trong thời gian tới, lực lượng thanh tra bảo hiểm không chỉ được nâng lên về lượng, mà sẽ nâng cao cả về chất.

Tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành bảo hiểm do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính và Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm tổ chức, ông Đỗ Đức Minh, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho biết, mục đích của chương trình này là nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng phục vụ cho công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa chức danh thanh tra chuyên ngành bảo hiểm theo quy định.

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bảo hiểm là lĩnh vực có tính chất nghiệp vụ rất phức tạp, nên đòi hỏi cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra trong lĩnh vực này phải có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ vững chắc.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, công tác thanh, kiểm tra bảo hiểm đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, phòng chống trục lợi bảo hiểm; đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong cơ chế chính sách và tăng cường năng lực quản lý cho các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm, do số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn mỏng, công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ chưa thường xuyên đã khiến công tác thanh, kiểm tra và giám sát chưa đáp ứng được quy mô và mức độ phức tạp của thị trường. Các cuộc thanh tra, đặc biệt là kiểm tra mới chỉ tập trung tại trụ sở chính, mà chưa tiến hành được tại các đơn vị thành viên (công ty trực thuộc, chi nhánh) của doanh nghiệp bảo hiểm.

Chưa kể, số lượng cán bộ có thâm niên, kinh nghiệm làm công tác thanh tra còn ít, chủ yếu là cán bộ mới, nên cần được đào tạo và tích lũy thêm kinh nghiệm thanh tra, dẫn đến việc triển khai các đoàn thanh tra phải phụ thuộc vào cán bộ các phòng liên quan, nên trong nhiều trường hợp, công chức tham gia đoàn thanh tra chưa đủ kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh.

Trong khi đó, đội ngũ thanh tra chuyên ngành là công chức không có ngạch bậc thanh tra (thanh tra viên, thanh tra viên chính), nên khó khăn trong việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ làm công tác thanh tra bảo hiểm.

Một trong những điểm quan trọng trong thanh tra nói chung, thanh tra bảo hiểm nói riêng là việc điều chỉnh các số liệu theo kiến nghị của kết luận thanh tra, từ đó nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước số thuế tăng thêm.

Với ngành bảo hiểm, những năm qua, sau khi được thanh, kiểm tra, các doanh nghiệp bảo hiểm đều nhận được các kiến nghị điều chỉnh lại số liệu liên quan đến kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính. Ngoài việc điều chỉnh số liệu cho đúng quy định, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thực đã thực hiện nộp bổ sung ngân sách (nếu có).

Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần gắn kết hơn giữa thanh kiểm tra bảo hiểm với công tác quản lý, tránh tách rời, chậm trễ giữa thanh kiểm tra với xử lý vi phạm. Những kiến nghị trong thanh, kiểm tra phải được xử lý triệt để, còn các bất cập trong chính sách phải sớm được sửa đổi, những hành vi vi phạm cần được xử lý kiên quyết, kịp thời hơn.

Theo Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan quản lý về kinh doanh bảo hiểm đến năm 2015 phải tuân thủ 50% các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành; đến năm 2020 tuân thủ 100% quy tắc này.

Để làm được điều này cũng như nâng “chất” thanh tra bảo hiểm, các chuyên gia trong ngành cho rằng, điểm mấu chốt nhất là vấn đề quản lý con người, bởi vậy, cần xây dựng kế hoạch toàn diện phát triển nguồn nhân lực, ở cả đội ngũ cán bộ thanh tra ngành lẫn nhân sự trong chính doanh nghiệp bảo hiểm, làm sao để việc tuân thủ các quy định của pháp luật được thực hiện ngay từ khâu đầu triển khai, chứ không chỉ đến khi có thanh kiểm tra phát hiện sai sót mới sửa đổi.

“Cần có sự hỗ trợ của Thanh tra Bộ Tài chính trong việc nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thanh tra bảo hiểm, cụ thể Thanh tra Bộ có thể chủ trì cùng với các đơn vị trực thuộc tiến hành một cuộc thanh tra theo chuyên đề rộng về công tác quản lý tài chính của ngành bảo hiểm”, một đề xuất được đưa ra.