Để người Việt Nam chỉ tin dùng hàng Việt Nam
(Tài chính) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một bước đột phá, tác động đến tư duy và ý thức sản xuất, tiêu dùng hàng Việt. Vì vậy, để thay đổi thói quen người Việt Nam chỉ dùng hàng Việt Nam, thì trước hết phải thay đổi từ tư duy của người tiêu dùng.
Từ thay đổi tư duy của doanh nghiệp…
Nếu như trước kia, thị trường trong nước bị “bỏ ngỏ”, các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc tiêu thụ hàng hóa tại các vùng nông thôn, thì nay, sau 5 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây viết tắt là Cuộc vận động), thực sự đã có những thay đổi rõ rệt trong nhận thức của cả doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, nếu như trước đây, hàng Việt Nam chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng, chợ truyền thống, thì đến thời điểm này, trên các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các tỉnh thành, hàng Việt Nam đã chiếm đến 80 – 90%.
Để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và hải đảo, trong 5 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 34,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt Nam không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút đông đảo dân cư của các nước láng giềng đến mua sắm.
Là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong nước cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có chiến lược tổng thể nhằm hướng tới thị trường trong nước. Vinatex xác định quan tâm phát triển thị trường với định hướng phát triển theo phương thức OBM (sản xuất sở hữu thương hiệu riêng) nội địa cung cấp sản phẩm may mặc chất lượng cao với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng Việt.
Cũng từ việc chú trọng tiêu thụ hàng trong nước, trong 5 năm qua, Vinatex đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống phân phối, bán hàng trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Đến nay, Vinatex đã mở 4.125 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc nhằm mở rộng kênh phân phối hàng trên thị trường nội địa. Do người Việt tin dùng và tìm đến nhiều hơn, doanh thu theo đó cũng tăng ổn định, số lượng các đại lý cũng ngày càng được mở rộng khắp cả nước và đã chứng tỏ sức cạnh tranh với các nhãn hiệu nước ngoài tại Việt Nam, dự kiến hết năm 2014, Viatex sẽ mở thêm 161 cửa hàng, đại lý.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, do định hướng thống nhất ngay từ đầu nên sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, doanh thu nội địa của Tập đòan tăng dần từ hơn 15.700 tỷ đồng năm 2010 lên 19.700 tỷ đồng năm 2012 và lên 20.800 tỷ đồng năm 2013; năm 2014 ước đạt 22.200 tỷ đồng. Thực hiện thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn, Tổng công ty (Tcty), Tcty Đức Giang, May 10, Nhà Bè, Việt Tiến… đã thực hiện cung ứng gần 160.000 bộ đồng phục và quần áo bảo hộ lao động cho Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Tcty Thép … trị giá trên 60 tỷ đồng. Đồng thời Tập đoàn Vinatex cũng tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị bạn với trị giá trên 100 tỷ đồng từ các mặt hàng hóa chất, xăng dầu, dầu ăn, bơ…
Cũng do thay đổi tư duy nên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chuyển việc nhập khẩu thép chống lò (80.000 tấn mỗi năm) sang sử dụng thép của một số đơn vị sản xuất trong nước như: Thép An Khánh, sản phẩm thép của Công ty CP gang thép Thái Nguyên. Dự kiến năm 2015 sẽ sử dụng hầu hết các sản phẩm thép chống lò của Gang thép Thái Nguyên nhằm thay thế cho sản phẩm nhập khẩu. Hay như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với các công trình, dự án trên cạn đang triển khai nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước. Hằng trăm nghìn tấn nguyên liệu như thép, xi măng... đã được các đơn vị thành viên trong Tập đoàn sử dụng hàng trong nước.
Là doanh nghiệp trung gian, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hưởng ứng Cuộc vận động này bằng cách tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt” tháng 9 hằng năm trong hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Nếu năm 2009 có 150 nhà cung cấp tham gia chương trình thì đến năm 2013 đã có 600 nhà cung cấp tham gia. Qua đó, các doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng đã chú trọng đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu nhu cầu khách hàng, cải tiến, phát triển sản phẩm về chất lượng, mẫu mã, chủng loại và giá cả hợp lý, giúp nâng cao uy tín và gia tăng sức mua của các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Sự gặp gỡ giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối và nhu cầu của người tiêu dùng đã tạo ra những thành công nhất định của Cuộc vận động nói chung và chương trình “Tự hào hàng Việt” nói riêng. Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại Saigon Co.op chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Đặc biệt, ngành hàng thực phẩm với gần 10.000 mặt hàng thì có 95% hàng Việt Nam. Tỷ lệ hàng Việt tăng bình quân trên 28% trong 5 năm qua, trong đó ngành hàng thực phẩm tăng gần 30%.
Từ thay đổi tư duy sản xuất, đến tìm kiếm, hướng tới thị trường trong nước, các doanh nghiệp và trung tâm thương mại đã có nhiều cách khác nhau để đưa hàng Việt đến với người Việt. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã chú trọng hơn từ việc chọn nguyên liệu đầu vào đến việc tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường nội địa và họ cũng có nhiều cách khác nhau để "kéo" người tiêu dùng đến với mình. Nhằm cạnh tranh với các mặt hàng của các nước khác, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm để thu hút sự quan tâm và tiêu thụ của người tiêu dùng.
… đến thay đổi thói quen của người tiêu dùng
Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động cũng đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức và ý thức dùng hàng Việt của nhân dân. Theo cuộc điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tiến hành vào năm 2011 cho thấy, 73% người được hỏi cho biết họ đã có sự thay đổi thói quen sử dụng hàng sản xuất tại Việt Nam. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, đã có 96% các tầng lớp nhân dân từ quan tâm đến rất quan tâm tới Cuộc vận động; năm 2012 có 91% người dân có chuyển biến từ trong ý thức ưu tiên, lựa chọn, mua sắm hàng Việt Nam, thì năm 2013, con số đó đã nâng lên 92,6%; đã có 73,43% người dân được hỏi khẳng định “khi mua hàng hóa, hàng Việt Nam là ưu tiên lựa chọn hàng đầu” của họ. Đáng chú ý, kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tháng 7/2014 cho thấy, 92% người tiêu dùng trong cả nước quan tâm và quan tâm cao đến Cuộc vận động. 63% số người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...
Tìm hiểu thực tế ở một số xã nông thôn, miền núi, chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong các khu chợ và các đại lý. Tại các cửa hàng tạp hóa trong các chợ đầu mối huyện Thanh Thủy, Tam Nông (Phú Thọ), có thể nhận thấy hàng Việt Nam gần như chiếm lĩnh hoàn toàn, từ các gian hàng đồ gia dụng, thực phẩm, đồ may mặc cho đến hóa mỹ phẩm. Tại cửa hàng kinh doanh mặt hàng nhôm, nhựa gia dụng Năm Thảo, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, phần lớn hàng hóa bày bán đều sản xuất tại Việt Nam với các nhãn hiệu Duy Tân, Hoàn Cầu, Bình Minh, Thành Phát…
Ngay kế bên, em trai chị Năm (chủ cửa hàng Năm Thảo) cũng mở một cửa hàng bán quần áo với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng mà theo chủ cửa hàng 100% là hàng Việt Nam. Chị Năm cho biết, “giờ đây, khi vào cửa hàng mua sắm, đa số khách hàng đều quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra kỹ nhãn mác nên khi nhập hàng, tôi ưu tiên chọn hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tại quầy của tôi, 90% hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm này bán khá chạy, cửa hàng quần áo bên cạnh cũng 100% hàng trong nước, cho dù đó là hàng gia công thì người dân cũng còn chấp nhận hơn là hàng các nước khác hoặc không rõ xuất xứ”.
Theo các tiểu thương ở chợ đầu mối huyện Tam Nông, hàng Việt Nam chiếm ưu thế trong chợ xuất phát từ nhu cầu của người dân. Họ bắt đầu có sự so sánh giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập để lựa chọn phù hợp túi tiền. Rõ ràng, thay đổi tư duy, khai thác thị trường nội địa đã đem lại nhiều kết quả quan trọng cho các doanh nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền và đưa sản phẩm hàng Việt Nam nhiều hơn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, đại lý…đã giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn, đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo một thói quen mới từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.
Là người nội trợ trong gia đình, bác Chu Thị Mai, ngõ chợ Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội luôn cân nhắc trước khi quyết định mua hàng. Bác cho biết, nếu trước đây, tôi chỉ có thói quen quan tâm đến việc giá cả đắt hay rẻ hoặc về hình thức bề ngoài đẹp hay xấu thì giờ đây, lúc nào tôi cũng xem xuất xứ của sản phẩm, chất lượng hàng hóa và đặc biệt yên tâm nếu đó là hàng Việt Nam. Cho ví dụ về việc chọn hàng của mình, bác Mai cho biết: “Trước kia, chiều cháu nội, nó cứ thích cái đèn lồng nào là mình mua cho nó cái ấy, nhưng giờ bác phải tìm hàng của Hội An thì mới mua”.
Cũng như bác Mai, chị Phạm Thị Hồng Loan, khu 4, Quan Thánh, Hải Dương luôn chọn mua đồ dùng gia đình có nguồn gốc hàng Việt. Chị cho biết, những nhãn hiệu uy tín, được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao luôn là lựa chọn đầu tiên của chị khi mua sắm. Từ các mặt hàng dùng hằng ngày trong gia đình như bột giặt, nước rửa bát, dầu ăn, gia vị, đồ gia dụng, đến giày dép, quần áo may sẵn chị đều ưu tiên chọn hàng Việt Nam.
Đây cũng chính là lý do một trung tâm thương mại lớn như BigC Hải Dương luôn chú trọng nhập hàng Việt để phục vụ khách hàng. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Siêu thị cho biết, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính hơn khi lựa chọn hàng hóa và luôn tìm đến những địa chỉ tin cậy. Chính vì vật, chỉ tính riêng mặt hàng bánh, mứt kẹo được bày bán dịp Tết Nguyên Đán năm vừa rồi, chúng tôi có đến trên 90% là hàng Việt, chủ yếu của các hãng Kinh Đô, Bibica, Vinamit, Trung Nguyên, Orion… Phần còn lại là hàng ngoại nhập có xuất xứ từ châu Âu và các nước Đông Nam Á, chủ yếu để tăng tính đa dạng và thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân đã hướng mạnh về thị trường nội địa, hàng nội địa, nhưng với yêu cầu chất lượng cao hơn và mẫu mã sản phẩm phong phú hơn với giá cả phù hợp. Nếu biết phân khúc thị trường, các doanh nghiệp sẽ có thể khai thác được toàn bộ nguồn cung trong nước và kéo người tiêu dùng đến với mình./.