Để nông sản Việt Nam tận dụng được lợi thế từ các FTA
Những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Ngay sau khi 11 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam, CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy quá trình cải cách trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), không riêng gì CPTPP sẽ mang đến nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản - mặt hàng được xem là lợi thế của Việt Nam khi 75% dân số tập trung ở nông thôn.
Chia sẻ tại Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu 2018 mới đây, ông Nguyễn Đức Lộc - Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng, nông nghiệp đã góp phần mang về thặng dư thương mại. Các loại rau quả, sản phẩm từ cây công nghiệp có tốc độ tăng giá trị rất cao.
Song, theo ông Lộc, dù sản lượng sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đứng vào hàng top của thế giới nhưng giá trị lại chưa tương xứng, do xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chất lượng của không ít sản phẩm bị ảnh hưởng từ việc sử dụng phân bón, hóa chất không đảm bảo quy chuẩn hàng xuất khẩu.
Những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu cao, điển hình là rau quả. Năm 2017, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,514 tỷ USD, tăng 43,02% so với năm 2016 với khoảng 40 loại được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản - thành viên của CPTPP là một trong 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu rau quả Việt Nam.
Để nông sản xuất được sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, việc kiểm định chất lượng phải vô cùng nghiêm ngặt, nhưng nếu đáp ứng được thì cánh cửa xuất khẩu, chinh phục thị trường khác của nông sản Việt Nam sẽ thêm rộng mở.
Song, để làm được điều này cần phải có chính sách cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT). Bộ NN&PTNT phải cầm trịch để kết nối các mắt xích trong ngành, vì với tình trạng manh mún như hiện nay, nếu không có sự hợp tác sẽ rất khó thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt.
Ông Nguyễn Đức Lộc bày tỏ, để nâng cao giá trị nông sản, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất dựa theo nhu cầu thị trường, phát huy sản phẩm có lợi thế gắn với công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Đồng thời tổ chức lại khâu sản xuất, chú trọng sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi, khuyến khích đầu tư tư nhân, khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất.
Các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần phải có chính sách toàn diện mới có thể tận dụng được các lợi thế mà các FTA mang lại. Cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam rất lớn nhưng quy chuẩn, chất lượng sản phẩm là rào cản không nhỏ.
TS. Đào Thế Anh - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, 3 năm qua, riêng mặt hàng rau quả xuất khẩu khả quan, nếu thúc đẩy được công nghệ sau thu hoạch, nhất là chuỗi cung ứng lạnh (vận chuyển lạnh, bảo quản lạnh, lưu kho lạnh) thì việc xuất khẩu các mặt hàng này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa.
Cũng theo ông Anh, chuỗi giá trị lạnh nếu được đầu tư đúng mức thì không chỉ giảm được tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch (gạo hiện có tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch là 14%, rau quả khoảng 20%) mà chất lượng hàng xuất khẩu cũng được đảm bảo.