Để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế

Theo Đại biểu Nhân dân

Mức tăng trưởng hơn 18% của chỉ số VN-Index trong đầu năm 2013 và sự ổn định của tiền đồng là hai yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán nước ta như năm 2006 thì yếu tố quan trọng vẫn là sự chuyển động rõ rệt của nền kinh tế từ quá trình tái cơ cấu.

Để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong hai tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán đã có những thay đổi tích cực khi có nhiều phiên tăng điểm liên tục và tăng 18% so với cuối năm ngoái. Đây là phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước các giải pháp phục hồi tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất được thể hiện rõ trong Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ. Và có thể thấy mức tăng này có đóng góp quan trọng của khối đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê trên hai sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP. Hồ Chí Minh (HSX), trong tuần giao dịch từ 7 - 11/1/2013, khối ngoại đã mua ròng 6,7 triệu cổ phiếu trên HNX, trị giá 84,11 tỷ đồng, và mua ròng 40,68 triệu cổ phiếu trên HSX, trị giá gần 830 tỷ đồng. Hoạt động của nhóm nhà đầu tư này đã giúp VN-Index hoạt động tốt, tăng liên tiếp 13 phiên không ngừng nghỉ - chuỗi tăng dài nhất 9 năm qua. Và theo thống kê của Bloomberg, tính đến ngày 10/1/2013, nhà đầu tư ngoại đã rót ròng 51 triệu USD, tương đương 1.062 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm 2012. Trong thời điểm này, nhờ sự trợ giúp của khối đầu tư nước ngoài, VN-Index đã trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng đạt 11,21%. Trong khi, ở vị trí thứ hai là thị trường chứng khoán Argentina chỉ tăng 9,11%.

Song, sau khi tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán nước ta thì bước vào cuối tháng 1/2013, lực đỡ khối đầu tư ngoại bất ngờ yếu đi nhanh chóng với khối lượng giao dịch (cả mua lẫn bán) đều giảm 60%. Chỉ số của hai sàn đã không có những thay đổi tích cực trong tháng 1/2013, cũng như trong tháng 2/2013. Các chỉ số VN-Index và HNX-Index, HSX-Index đã không còn tăng mạnh như thời điểm đầu năm, biên độ dao động cũng nhỏ hơn trong mỗi phiên giao dịch. Và đến nay dù những thông tin tích cực từ sự tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán, sự ổn định của tỷ giá, cũng như của chỉ số giá tiêu dùng cũng chưa thu hút các nhà đầu tư này chuyển vốn vào thị trường.

So sánh với đầu tư của khối nước ngoài vào thị trường chứng khoán ở các quốc gia lân cận cũng cho thấy, nước ta chưa phải là điểm đến hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Theo chuyên gia kinh tế Alan Phan, lượng tiền khối ngoại gom trên thị trường chứng khoán nước ta được tính toán là chỉ bằng 12 - 14% so với số tiền đổ vào thị trường Indonesia. Trong khi, lượng tiền dư thừa trên thế giới đang rất nhiều do kinh tế châu Âu còn nhiều vấn đề, Nhật Bản bị phá giá đồng nội tệ và Mỹ đã rơi vào tình trạng cắt giảm chi ngân sách. Nói cách khác, về lý thì nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới sẽ chuyển dòng tiền của mình về những thị trường mới, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi các quốc gia này thường phản ứng nhanh hơn với những tín hiệu mới của kinh tế thế giới.

Nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với thị trường chứng khoán nước ta được cho là do quy mô thị trường còn nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn đều được nhà đầu tư mua cổ phiếu đến giới hạn cho phép. Một số quỹ đầu tư tài chính quốc tế cũng cho biết, với giá trị và khối lượng giao dịch hàng ngày của hai sàn không đáp ứng nhu cầu đầu tư 500 triệu đến 1 tỷ USD. Hơn nữa, tại các quốc gia khác, hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra liên tục thì ở nước ta vẫn giao dịch thủ công, chưa có sản phẩm phái sinh. Song đây không phải là lần đầu nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2006, khi thị trường chứng khoán nước ta chính thức hoạt động, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Do cơ quan chức năng chưa có kinh nghiệm thu hút vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán nên đã để nhà đầu tư tự thực hiện, không có định hướng đầu tư để giữ chân họ. Và đến cuối năm 2012, nhiều quỹ đầu tư tài chính quốc tế đã bày tỏ quan điểm dần thoái vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vào thị trường.  

Dù vậy, khi đánh giá về việc có nên đầu tư vào Việt Nam hiện nay hay không, Quỹ đầu tư Dragon Capital vẫn cho rằng, tăng trưởng trong năm 2012 (5,08%) là mức thấp nhất trong 13 năm qua và có thể là đáy tăng trưởng. Điều này có nghĩa là giới đầu tư nước ngoài đang hy vọng về sự hồi phục của kinh tế nước ta và đã sẵn sàng chuyển dòng tiền vào hai sàn giao dịch Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, thị trường chứng khoán nước ta đang đứng trước cơ hội thứ hai để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội này có tận dụng được hay không không phải do điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư sẽ chỉ chuyển tiền vào nếu như nhìn thấy cơ hội thu lợi từ mỗi quyết định của mình. Cơ hội này có tận dụng được hay không phụ thuộc vào sự chuyển biến của nền kinh tế nước ta.

Những hạn chế từ sự tăng trưởng không bền vững cần được thay thế bằng một cơ cấu kinh tế phù hợp hơn, bằng phân bổ lại nguồn lực để vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả. Và nền kinh tế cần có những thay đổi mạnh mẽ từ năm 2013 để tạo chất xúc tác thu hút dòng vốn ngoại, góp phần đưa thị trường chứng khoán sôi động hơn. Đặc biệt là để thị trường này có thể thực hiện được sứ mệnh đáng ra phải làm từ lâu là trở thành kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.