Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn sử dụng điện là không hợp lý

Bảo Thương

Sáng 21/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề liên quan đến tính giá điện nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã làm rõ một số nội dung quan trọng mà đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36.

Tham gia trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 về vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn sử dụng điện để đảm bảo giảm giá điện như đại biểu Phạm Văn Hòa – đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, việc giảm thuế để giải quyết một lĩnh vực có biến động lớn về giá là không hợp lý.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trên thực tế, phát sinh từ những khó khăn, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân. Liên quan đến giá điện bậc thang, điện sinh hoạt, hiện nay cũng đã có quy định hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách... Đồng thời, bậc 1 cũng đã ưu tiên cho các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.

Trước đó, về vấn đề tính giá điện bậc thang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, biểu giá điện bậc thang là một mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm giúp khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 

"Điện khác với các ngành khác, vì càng sản xuất nhiều điện thì càng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, trong khi năng lượng là một ngành phát thải khá lớn ở Việt Nam, cần nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải thêm.

Ở Việt Nam, cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi, bổ sung một số nghị định giảm từ 6 bậc trong biểu giá điện xuống còn 5 bậc, trong đó bậc đầu tiên nâng từ 0-50 kWh lên 0-100 kWh.

Như vậy, kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa đã được tiếp thu và đã được trình lên Chính phủ đúng như đại biểu mong muốn. Mục tiêu của đề xuất này nhằm giữ được mức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách nhà nước ở số điện 0-30kWh, còn từ 30kWh đến hết bậc 1 thì người tiêu dùng phải thanh toán theo quy định. 

Mặt khác, để dần xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lần này cũng đang đề cập đến việc điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt để tiệm cận gần hơn. Theo đó, giá điện đối với một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện...