Đề xuất giảm thuế với linh kiện, tăng thuế với ôtô nhập khẩu đã sử dụng
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô và ôtô đã qua sử dụng giai đoạn 2018-2020. Theo đánh giá của đại diện các doanh nghiệp (DN), đề xuất này hoàn toàn hợp lý, nhất là trong bối cảnh các cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào đầu năm 2018. Đồng thời, đây cũng được coi là giải pháp khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hoá trong ngành công nghiệp ôtô.
Khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô nhập khẩu đối với xe chở người dưới 9 chỗ và xe tải có trọng lượng từ 5 tấn trở xuống từ năm 2018-2022, nhưng có kèm theo điều kiện về sản lượng sản xuất, lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước theo hai phương án.
Phương án 1, giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ôtô để lắp ráp cho 2 nhóm xe về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ; khoảng 1% với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2, giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15% 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45%, 50% xuống 0% (do đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất) và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ôtô) để lắp ráp cho xe dưới 9 chỗ ngồi và xe tải trên 5 tấn từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 - 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Đại diện ban soạn thảo cho rằng, cả 2 phương án đều góp phần khuyến khích DN sản xuất, lắp ráp ôtô do được giảm chi phí, từ đó giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh với xe ôtô nhập khẩu. Tuy nhiên, so với phương án 2, phương án 1 sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi mức thuế nhập khẩu đối với xe ôtô đã qua sử dụng, trong đó với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, đề xuất điều chỉnh tăng từ 5.000 USD/chiếc lên 10.000 USD/chiếc (kể cả xe chở người có khoang chở hành lý chung, SUVs và xe thể thao, nhưng không kể xe van), loại chạy dầu có dung tích xilanh dưới 1.000cc và xe khác.
Tương tự, với xe có dung tích xilanh từ 1.000cc đến dưới 1.500cc, mức thuế suất được đề xuất bằng mức cam kết WTO là 200% hoặc 150% + 10.000 USD; xe khác tăng mức thuế suất bằng mức cam kết WTO là X + 10.000 USD (X là mức thuế suất của xe mới cùng chủng loại hàng năm).
Riêng với xe có dung tích xi lanh từ 1.500cc đến dưới 2.500cc, mức thuế đề xuất là 200% hoặc 150% + 10.000 USD; xe khác cũng sẽ tăng mức thuế suất bằng mức cam kết là X + 10.000 USD.
Với xe có dung tích xi lanh từ 2.500 trở lên, mức thuế suất được đề nghị tăng là 200% hoặc 150% + 10.000USD; nhưng giữ nguyên mức thuế như hiện hành đối với xe khác.
Phù hợp cam kết ATIGA
Góp ý cho dự thảo này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, về tổng thể việc xem xét giảm thuế là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết trong ATIGA, nhất là khi ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chủ yếu vẫn dựa chủ yếu vào linh kiện nhập khẩu.
Mặt khác, bên cạnh nhu cầu khuyến khích nhập khẩu linh kiện để thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ôtô sản xuất trong nước. Do đó, việc thiết kế chính sách thuế cho phép thỏa mãn đồng thời 2 nhu cầu này là phù hợp.
Tuy nhiên, đại diện VCCI băn khoăn, mặc dù chương trình giảm thuế chỉ giới hạn với những chủ thể có cam kết về số lượng xe lắp ráp và tỷ lệ nội địa hóa, nhưng liệu các lợi ích này có đủ bù đắp một số chi phí (bộ máy, nhân lực, thủ tục phức tạp) hay không.
Nếu không, cần xem xét phương án giảm thuế chung cho tất cả các trường hợp nhập khẩu linh kiện ôtô của 2 nhóm xe đáp ứng yêu cầu về tải trọng và tiêu chuẩn tiêu hao năng lực, tiêu chuẩn khí thải như dự kiến.
Riêng với 2 phương án thuế được đưa ra, VCCI kiến nghị, nên lựa chọn phương án 1 vì có mức ưu đãi nhiều hơn cho DN xuất phát từ việc sẽ khuyến khích nhập khẩu linh kiện, qua đó thúc đẩy sản xuất lắp ráp xe. Việc đặt ra lộ trình áp dụng chương trình ưu đãi cũng được đánh giá là hợp lý.
Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này ông Phạm Anh Tuấn- Trưởng tiểu ban chính sách (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA) cho rằng, những đề xuất này mới chỉ là điều kiện tối thiểu nhằm hỗ trợ các thành viên VAMA duy trì sản xuất.
Do vậy, kiến nghị cần đưa thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018. Riêng về thuế nhập khẩu với xe ôtô đã qua sử dụng, VAMA hoàn toàn đồng ý với đề xuất tại dự thảo, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và bảo hộ sản xuất trong nước.