Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược:
Đề xuất quy định về công bố giá bán buôn thuốc
Trong chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Báo cáo một số vấn đề được quan tâm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, dự thảo luật quy định về công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá.
Theo đó, dự luật đã bổ sung giải thích từ ngữ "giá bán buôn thuốc dự kiến", "công bố giá bán buôn thuốc dự kiến", "công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến", "mặt hàng thuốc tương tự", xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục.
Dự luật cũng quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.
Cho ý kiến tại phiên họp về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vấn đề kiểm soát giá bán buôn là điểm mới, cần tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng công tác mua thuốc của cơ sở y tế; phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất. Không thể cùng một loại thuốc nhưng nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá khác. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc, lắng nghe ý kiến nhiều ngành, nhiều cơ quan và cả ý kiến từ những người sử dụng thuốc.
Liên quan đến giá thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ đồng tình quy định như dự thảo. Đây là quy định đặc thù đối với quản lý giá thuốc, chưa có trong Luật Giá nhưng cũng không trái quy định trong Luật Giá. Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ quy định các doanh nghiệp phải gửi giá bán buôn đến Bộ Y tế, đồng thời, đặt vấn đề doanh nghiệp có bắt buộc thực hiện không và nếu không thực hiện thì sao?
Tham gia làm rõ thêm nội dung về giá bán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, theo Luật Giá 2023, những hàng hóa, sản phẩm đặc thù thì được xem xét và quản lý theo các luật chuyên ngành. Do thuốc là loại sản phẩm rất đặc thù, nên Bộ Tài chính cho rằng việc đưa các quy định về quản lý nhà nước về giá thuốc vào Luật Dược là phù hợp. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định tại Luật này.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, để quản lý giá, điểm mới của Luật Dược lần này bổ sung một công cụ quản lý giá, đó là việc công bố giá bán buôn thuốc dự kiến. Công cụ quản lý này không có trong Luật Giá mà chỉ quy định trong Luật Dược. Vì thế, cần làm rõ sự cần thiết cũng như nguyên tắc, quá trình triển khai thực hiện quy định về công bố lại giá thuốc để việc thực thi đảm bảo phát huy tác dụng của công cụ quản lý mới, phù hợp với yêu cầu của quản lý giá đối với mặt hàng thuốc, dược phẩm.
Nêu ý kiến liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, các chính sách về thuế, phí, lệ phí được quy định và thực hiện theo các luật về thuế. Các tiêu chuẩn ưu đãi về đầu tư thì áp dụng theo các luật về đầu tư. Nếu đưa ra các quy định khác ở trong luật này sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, về quản lý giá thuốc, trong đó có thủ tục công bố, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, cần bảo đảm được mục tiêu quản lý nhà nước, song không làm tăng gánh nặng cho các cơ sở kinh doanh và rà soát tính đồng bộ giữa quản lý giá thuốc với các luật khác, trong đó có Luật Giá.