Đến lúc để DNNN tự bơi Bài 1: Bình mới rượu cũ

Theo Pháp Luật

Sau hàng loạt các đổ vỡ, nợ nần của Vinashin, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại với cách quản lý kinh tế như hiện nay sẽ có nhiều “Vinashin” khác xuất hiện. Liệu việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty TNHH một thành viên theo Luật Doanh nghiệp 2005 có phải là lối ra an toàn cho các DNNN hiện nay? Đặc biệt là vấn đề minh bạch cũng như câu chuyện quản trị doanh nghiệp của các DNNN sau khi chuyển đổi sẽ được thực hiện như thế nào để tránh vết xe đổ Vinashin?

 

Mối quan hệ của nhà nước với DNNN lâu nay vẫn còn nhùng nhằng giữa vai trò quản lý nhà nước với vai trò là chủ sở hữu, dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Điều này khiến cho DNNN giống như một đứa trẻ được bảo bọc quá kỹ để rồi chỉ một chút trái gió trở trời, đứa trẻ ấy lại ốm đau và lộ rõ những khuyết tật bên trong mình.

Doanh nghiệp mà như UBND

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc chuyển đổi từ DNNN sang công ty TNHH một thành viên chỉ mới là một bước về mặt hình thức pháp lý chứ chưa bảo đảm hoàn toàn cho sự thay đổi về chất. “Muốn thay đổi về chất, đòi hỏi làm rõ vai trò của nhà nước với tư cách thành viên duy nhất của công ty TNHH một thành viên sẽ quan hệ với doanh nghiệp như thế nào. Tư cách là chủ sở hữu và tư cách là người quản lý phải tách biệt. Đồng thời, các doanh nghiệp với danh nghĩa là công ty TNHH một thành viên thì sẽ phải hoạt động như thế nào trong quan hệ với nhà nước. Điều này đến nay vẫn chưa rõ” - bà Lan nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tài, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN, cũng cho rằng cái khó của các DNNN sau khi chuyển đổi là chuyển về chất, là chuyển về quản trị doanh nghiệp. Lâu nay, DNNN hoạt động chẳng khác nào các UBND. Cái nếp, cách tư duy, cách thức làm việc theo cơ chế hành chính với sự quản lý của cơ quan bộ ngành, UBND địa phương tạo thành thói quen xin ý kiến, quen chỉ đạo và thực thi theo mệnh lệnh hành chính.

“Quản lý kinh tế mà để một ông rất là hành chính vào đó ngồi thì kể cả thứ trưởng cũng chẳng làm được gì! Hay một ông chủ tịch tỉnh đại diện vốn nhà nước của một doanh nghiệp thì dành được bao nhiêu thời gian và thành thạo kinh tế đến đâu để quản lý! Khi người đại diện phần vốn nhà nước chưa rõ thì việc quản lý khó chặt chẽ. Hơn nữa, để một ông quan chức đại diện vốn nhà nước ngồi họp với các cổ đông khác thì ngay vị thế đã khác” - luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, dẫn chứng.

Kiểm soát viên là công chức thì cũng vậy

Một điểm tiến bộ khi DNNN chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên là có thêm chức danh kiểm soát viên. Theo quy định mới, kiểm soát viên sẽ giúp chủ sở hữu kiểm soát tình hình tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu trong quản lý, điều hành công ty. Lực lượng này có quyền sử dụng con dấu của công ty, có quyền tiếp cận các thông tin của công ty để thực hiện nhiệm vụ do pháp luật và điều lệ công ty quy định.

“Với vai trò rất khác biệt nếu so với chức danh thành viên ban kiểm soát của công ty nhà nước, có thể nói chất lượng của chức danh mới này có thể tác động tới sự khác biệt về bản chất trong mô hình công ty TNHH một thành viên so với công ty nhà nước. Nếu không có cơ chế phù hợp để kiểm soát viên hoạt động đúng vai trò của mình thì công ty TNHH nhà nước sau chuyển đổi vẫn sẽ là bình mới rượu cũ” - ông Trần Tiến Cường, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lo ngại.

Ông Vũ Xuân Tiền thì cho rằng: “Vai trò của kiểm soát viên trong công ty TNHH nhà nước một thành viên đặc biệt quan trọng nhưng nếu cũng là một anh cán bộ, công chức nhà nước ngồi vào thì cũng thế thôi! Vị trí này phải là người đặc biệt độc lập và phải có trình độ chuyên môn, mà hiện nay thì rất thiếu”.

Theo ông Cường, thực tế những công ty TNHH một thành viên đã chuyển đổi từ trước, chức danh kiểm soát viên khá mờ nhạt và bị lấn át bởi hội đồng thành viên của công ty. Vai trò của chủ sở hữu trong trường hợp này không phát huy được.

Chỉ là trạm dừng chân

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chuyển đổi hiện nay chỉ như trạm dừng chân khi chưa thể tiến hành cổ phần hóa (CPH). Theo ông Cường, nhiều doanh nghiệp thực sự muốn CPH nhưng vướng việc định giá doanh nghiệp như xác định giá trị lợi thế, vị trí đất... Thực tế, có những DNNN đã bán cổ phần ra công chúng xong cả năm trời nhưng chưa xác định được giá trị doanh nghiệp lần hai để chuyển bàn giao sang công ty cổ phần. Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp đã CPH theo Nghị định 187/2004 thì nay phải xác định bổ sung giá trị lợi thế vị trí đất. Theo đó, giá đất phải được tính theo giá thị trường. Nhưng cơ quan nào đưa ra giá thị trường, ai công nhận thì chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã mắc kẹt ở điểm này.

Ông Nguyễn Xuân Thùy, kế toán trưởng Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết những nhà máy cơ khí có diện tích đất rất lớn, nếu xác định giá đất theo giá thị trường trừ đi giá tính thuế của nhà nước quy định thì giá trị đất có thể lớn hơn giá trị tài sản của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã tiến hành bán cổ phần, công bố giá trị doanh nghiệp. Nếu tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trở lại thì các cổ đông sẽ không thuận. Điển hình của sự mắc kẹt này là Công ty CP Chế tạo máy thuộc Tập đoàn TKV. Hiện công ty này đã CPH xong cách đây hai năm nhưng đến nay vẫn chưa xác định được giá trị đất lần hai để chuyển bàn giao sang công ty cổ phần.

 

Cả bộ máy lẫn quy trình không chuyên nghiệp

Những ông chủ của DNNN thường là cán bộ, công chức vừa không chuyên nghiệp để làm quản trị doanh nghiệp và cũng không có lợi ích thiết thân để làm hết mình. Đồng tiền liền khúc ruột nên tiền của nhà nước được ủy quyền bởi rất nhiều cấp trực tiếp khác nhau thì thường xảy ra hai trường hợp: cha chung không ai khóc, lắm cha con khó lấy chồng. Nghĩa là cả bộ máy lẫn quy trình không chuyên nghiệp.

Đã là nguồn lực nhà nước thì bao giờ cũng có hạn, chúng ta không thể phình bộ máy lên, hơn nữa muốn kinh doanh phải là người biết nắm bắt cơ hội thị trường, biến cơ hội thành lợi nhuận, còn lấy những người không chuyên nghiệp cho có ban có bệ, đủ thành hội đồng “chùa” thì rất khó! Không có lợi ích trực tiếp gắn thiết thân để chuyên tâm vừa không có kỹ năng quản trị và kỹ năng kinh doanh trên thương trường thì làm sao hoạt động hiệu quả! Ai rơi vào đó thì người tài năng hạn chế bớt được, người kém cỏi thì sụp sớm.

Ông TRẦN HỮU HUỲNH, Trưởng Ban Pháp chế VCCI