Đến lúc xuống tiền
(Tài chính) Kết thúc phiên giao dịch 17/4, VN-Index đã xanh trở lại nhưng không thể lấy lại những gì đã mất trong phiên trước đó. Dù vậy, theo các chuyên gia phân tích đầu tư, giai đoạn thị trường điều chỉnh mang tính kỹ thuật cũng là thời điểm thích hợp săn cổ phiếu đầu tư.
Mục tiêu khuyến nghị của đa phần giới chuyên gia vẫn là các cổ phiếu bluechips, cơ bản tốt ngay cả đó là cổ phiếu ngành kinh doanh chưa thực sự khởi sắc, hay biến động mạnh như bất động sản, dầu khí,..
Trong báo cáo thăm doanh nghiệp tháng 4, Công ty chứng khoán BSC cập nhật tình hình kinh doanh của Tập đoàn Vincom - VIC với những nhận định đáng chú ý. Theo đó, VIC đang sở hữu 23 dự án bất động sản với tổng quỹ đất lên tới hơn 10 triệu mét vuông có tỉ lệ tiêu thụ và lấp đầy cao.
Năm 2014, việc tiếp tục ghi nhận doanh thu ở các dự án mở bán Royal City, Times City và Vinhomes Riverside tiếp tục mang lại nguồn thu chính cho VIC. Mảng kinh doanh khách sạn, du lịch, giải trí được kỳ vọng tiếp tục mang lại doanh thu ổn định.
Tháng 10/2014, VIC dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 dự án Vinpearl Phú Quốc. Ngoài ra, VIC đã quyết định tham gia vào thị trường thương mại điện tử thông qua Công ty TNHH VinE với các sản phẩm mua hàng theo nhóm, mua/bán trực tuyến.
Do VIC là doanh nghiệp bất động sản đầu ngành với doanh thu, lợi nhuận sau thuế cũng như các chỉ tiêu về khả năng sinh lời vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành nên BSC lựa chọn các công ty bất động sản trong khu vực thị trường mới nổi châu Á-Thái Bình Dương có doanh thu từ 14.000 tỉ đồng đến 22.000 tỉ đồng làm cơ sở so sánh để định giá VIC.
Với hệ số P/E của VIC là 10; trong khi P/E của VN-index là 14,41 lần, P/E công ty bất động sản niêm yết là 38,95 lần, và EPS pha loãng đạt 7.299 đồng thì BSC định giá cổ phiếu VIC khoảng 73.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên 17/4, VIC giao dịch ở mức 66.500 đồng/cổ phiếu.
Nếu như BSC lựa chọn ngành bất động sản với đại diện là VIC thì Kimeng Maybank lại hướng sự quan tâm tới cổ phiếu ngành dầu khí, trong đó PVD của CTCP khoan và dịch vụ khoan Dầu khí được đánh có nhiều triển vọng đầu tư.
Theo Kimeng Maybank, PVD trong năm 2014 sẽ hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư của PVN do PVD nắm giữ 50% thị phần dịch vụ khoan và 50-70% thị phần dịch vụ liên quan đến khoan.
Hơn nữa theo đánh giá của hàng tư vấn OSPetroData giai đoạn 2013-2015, thế giới mới có 98 giàn khoan mới trong khi 298 giàn khoan cũ phải ngừng hoạt động. Riêng trong nước cần 14 giàn khoan/năm để phục vụ nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí.
Trong khi đó, giá cho thuê các giàn khoan trong khu vực Đông Nam Á hiện đang trong xu hướng tăng. Tỉ lệ sử dụng tại khu vực khoảng 77% và sẽ có xu hướng điều chỉnh tăng khi tỉ lệ này chạm ngưỡng 80%. Giá cho thuê giàn khoan của PVD đã được tăng 15% từ quý III/2013 và hiện dao động từ 155.000USD/ngày đến 160.000USD/ngày. Vì vậy, Kimeng dự báo doanh thu 2014 của PVD tăng khoảng 13%, đạt hơn 16.800 tỉ đồng.
Mặc dù thận trọng dự báo giá thuê giàn khoan trung bình chỉ 10% thì biên lợi nhuận gộp tăng 22,4% năm 2013 lên 23,8% năm 2014. Trong năm 2014, chi phí tài chính ròng giảm khoảng 58% xuống còn 104 tỉ đồng do kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm và tỉ lệ đòn bẩy tài chính giảm đáng kể. Do đó, Kimeng dự báo lợi nhuận ròng 2014 của PVD tăng 27,6% so với năm 2013 đạt 2.400 tỉ đồng.
Dựa trên P/E kỳ vọng 2014 là 11, tương đương các công ty trong khu vực, KimEng định giá hợp lý PVD khoảng 96.500 đồng/cổ phiếu. Với giá đóng cửa 83.000 đồng/cổ phiếu của ngày 17/4 thì theo Kimeng NĐT có thể kỳ vọng khoảng lợi nhuận 15% nếu đầu tư vào PVD.