Đến năm 2025, giảm 25-30% tổng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng
Đó là mục tiêu được ngành Công Thương đề ra trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều giải pháp đã được ngành Công Thương triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm nhẹ phát thải nhà kính này.
Ngành Công Thương xác định, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế.
Một trong những mục tiêu được ngành Công Thương đề ra là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu giảm từ 25% đến 30% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; Nỗ lực tối đa trong việc kiểm kê và thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm phát thải khí mê-tan trong quá trình khai thác than, dầu khí, đốt nhiên liệu hóa thạch.
Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu giảm từ 30% đến 40% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt quy định về kiểm kê và kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương đã và đang tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, không khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng, phát thải khí nhà kính lớn, giá trị gia tăng thấp.
Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các mô hình, doanh nghiệp phát triển theo hướng giảm phát thải khí nhà kính góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; Xây dựng và ban hành quy định về hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (Hệ thống MRV) về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Công Thương; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính của ngành Công Thương hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Ngoài ra, tập trung xây dựng và đề xuất triển khai thí điểm các chương trình về dấu vết các- bon, chứng chỉ năng lượng tái tạo, nhãn các-bon, cơ chế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê, vận hành hệ thống MRV kết quả giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương.
Đối với các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính, ngành Công Thương tiếp tục tổ chức thanh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về kiểm kê, quy định về MRV đối với các hoạt động phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương; Thực hiện kiểm kê và quản lý hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cấp ngành, cấp cơ sở theo quy định; Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về Hệ thống MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Công Thương; Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý và giảm phát thải khí mê-tan trong khai thác, chế biến dầu khí, khai thác than và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Một giải pháp khác tiếp tục được ngành Công Thương triển khai là hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong thương mại, dịch vụ và dân cư. Theo đó, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về công nghệ phát thải các-bon thấp cho các ngành công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn, cường độ phát thải khí nhà kính cao như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, thép, hóa chất, nhựa, dệt may, da giày, giấy...
Đồng thời, hỗ trợ kết nối nhu cầu đầu tư công nghệ giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp với các nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế; Kêu gọi và tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực đánh giá trình độ công nghệ, đề xuất các giải pháp kỹ thuật chuyển đổi công nghệ theo hướng phát thải các-bon thấp.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Công Thương triển khai các cơ chế, công cụ thị trường và phi thị trường liên quan đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, nâng cao nhận thức về thị trường các-bon trong cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng sổ tay, hướng dẫn kỹ thuật cho các doanh nghiệp và các bên liên quan của ngành Công Thương tham gia thị trường các-bon của Việt Nam và trên thế giới; Hỗ trợ kỹ thuật giúp các doanh nghiệp và đối tượng có liên quan của ngành Công Thương tham gia các cơ chế bù trừ tín chỉ các-bon, chứng chỉ năng lượng tái tạo trong nước và quốc tế phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.