Đến thời mua sắm bằng giọng nói
Phương thức mua sắm bằng giọng nói thông qua những chiếc loa thông minh là một cuộc đột phá vào kỹ nghệ mua hàng. Nhờ nó, người tiêu dùng bây giờ chỉ cần ra lệnh cho những chiếc loa nằm sẵn đâu đó trong nhà, trong xe hơi như Amazon Echo hay Google Home để tìm hiểu thông tin, chọn hàng, mua hàng và trả tiền.
Phương thức mua sắm bằng giọng nói thông qua những chiếc loa thông minh hiện đang mang lại doanh thu 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Theo bản kết quả khảo sát độc lập của hai công ty nghiên cứu thị trường OC&C Strategy Consultants (Anh) và RBC Capital Markets (Canada), con số này sẽ nhanh chóng vượt lên trên 44 tỉ đô la chỉ tính riêng ở Mỹ và Anh vào năm 2022. Hai cuộc khảo sát nói trên cũng dự báo các thiết bị tích hợp trợ lý ảo Alexa của hãng Amazon (Mỹ) sẽ thực thi các đơn hàng với tổng giá trị khoảng 10 – 11 tỉ đô la vào năm 2020.
Chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng sẽ tăng nhanh
Trợ lý ảo Alexa mới bắt đầu thu hút sự chú ý của người tiêu dùng từ cuộc triển lãm hàng điện tử thế giới (Consumer Electronics Show – CES) năm 2016 ở Mỹ. Chỉ trong vòng hai năm, trí khôn nhân tạo này cùng các trợ lý ảo tương tự đang làm nên cuộc đột phá trong thói quen mua sắm, tiêu dùng. Thay vì trực tiếp đến lựa chọn hàng hóa tại các cửa hiệu hay lướt mắt tìm kiếm sản phẩm trên các màn hình thì nay người ta có thể đi chợ bằng giọng nói với vài đoạn hội thoại đơn giản.
Bình luận về phương cách mua sắm mới này, John Franklin, một cộng tác viên của tổ chức OC&C Strategy Consultants, khẳng định: “Thương mại bằng giọng nói sẽ thể hiện cuộc đột phá lớn về kỹ nghệ bán lẻ, cũng giống như thương mại điện tử và thương mại di động đã từng làm thay đổi cách mua sắm trong quá khứ”. Ông Franklin còn cho rằng tốc độ phát triển của thương mại giọng nói sẽ man đến những cơ hội cho nhà bán lẻ và gây thêm nhiều khó khăn cho kiểu thương mại truyền thống.
Bản báo cáo của OC&C Strategy Consultants cho biết hiện tại 13% số hộ gia đình ở Mỹ đã trang bị loa thông minh và 36% số gia đình này sử dụng loa thông minh để mua hàng. Ở Anh, tỷ lệ này thấp hơn với khoảng 10% hộ gia đình có loa thông minh và 16% trong số đó mua hàng bằng hình thức ra lệnh bằng giọng nói. Điều đó cho thấy sự đột phá trong phương cách mua sắm vẫn chỉ mới ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, bản báo cáo ghi nhận những yếu tố cho thấy thị trường mua sắm bằng giọng nói sẽ phát huy tiềm năng và tăng trưởng rất nhanh trong những năm tới.
Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình có loa thông minh tại Mỹ được dự báo sẽ tăng từ 13% trong năm 2017 lên đến 55% vào năm 2022, giá trị mua sắm cũng sẽ tăng từ 2 tỉ đô la lên 40 tỉ đô la. Ở Anh, tỷ lệ sử dụng loa thông minh của các hộ gia đình sẽ tăng từ 10% hiện nay lên trên 48% trong năm năm tới, qua đó giúp doanh số mua sắm bằng giọng nói đạt đến 4 tỉ đô la vào năm 2022.
Amazon có nhiều lợi thế
Trang prnewswire.com trích đăng các thống kê về mức độ phổ biến của trợ lý ảo ở Mỹ. Dẫn đầu danh sách là Amazon Alexa (10%), tiếp theo là Google Assistant (4%) và Microsoft Cortana (2%). Trợ lý ảo Siri của Apple đang bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh loa thông minh HomePod của hãng này chỉ mới bắt đầu tham gia thị trường. Công ty nghiên cứu thị trường RBC Capital Markets cũng nhận định Amazon đang có lợi thế lớn về mua sắm bằng giọng nói.
Nhà phân tích Mark Mahaney của công ty RBC đánh giá thành công của Amazon không chỉ dừng lại ở doanh số bán loa thông minh ấn tượng. Ông Mahaney cho rằng những thiết bị mang trợ lý ảo Alexa đang gián tiếp khuyến khích người tiêu dùng chọn những sản phẩm có trên Amazon, qua đó đẩy mạnh doanh số bán hàng của tập đoàn thương mại điện tử này.
Trong các nền tảng thương mại điện tử cho phép sử dụng công nghệ trợ lý giọng nói, Amazon Choice hiện cũng đang đóng vai trò đầu tàu. Nền tảng này đang khuyến mãi mạnh cho các khách hàng mua sắm bằng loa thông minh do tập đoàn mẹ Amazon Inc. sản xuất. Mức khuyến mãi có thể lên đến 30% giá trị của món hàng. Chiến lược này giúp Amazon Choice giành được mức tăng trưởng thị phần áp đảo với 85% số người sử dụng công nghệ loa thông minh ở Mỹ lựa chọn Choice làm nền tảng mua sắm.
Trang prnewswire.com cho rằng đã đến lúc những nhà bán lẻ phải đẩy mạnh việc tích hợp tính năng mua bán bằng giọng nói nhằm tránh bị tụt hậu. Bài phân tích cũng lưu ý rằng đại đa số các mặt hàng được mua bằng loa thông minh thường có giá trị thấp. Trong đó 20% là thực phẩm, 19% hàng giải trí, 17% hàng điện tử và khoảng 8% là hàng may mặc. Để người mua chấp nhận bỏ tiền ra mua hàng có giá trị cao hơn thì các nhà bán lẻ chẳng những phải tạo niềm tin mà cả sự thích thú cho họ.