Đi xa làm lớn, khó thoát khỏi kiện cáo
(Tài chính) Trên đường tiến vào “sân chơi” toàn cầu, thủy sản Việt Nam vấp phải rất nhiều hàng rào kỹ thuật do các nước dựng lên. Tuy nhiên, cũng từ đó thủy sản Việt Nam dần lớn mạnh, vươn lên chiếm những vị trí hàng đầu về xuất khẩu.
Càng phát triển, càng hay bị kiện cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản mới đây, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, "cơn bão" suy thoái kinh tế dường như không tác động nhiều đến sự phát triển của thủy sản, vì 3 năm qua, ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khá cao.
Thống kê cho thấy, sơ bộ năm 2013, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) thời kỳ 2011-2013 của ngành đạt mức tăng trưởng bình quân gần 4,9%/năm, trong đó giá trị khai thác đạt 5,94%/năm và nuôi trồng đạt 4,16%/năm. Trong khi giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp sụt giảm mạnh thì thủy sản vẫn vươn lên ngoạn mục, đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, với mức tăng trưởng khoảng 10,7%. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra; đứng thứ 3 về sản lượng tôm; sản phẩm thủy sản Việt Nam tính đến tháng 9/2013 đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16 thị trường so với năm 2010 (với thị trường chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc).
Tuy nhiên, chính sự phát triển mạnh mẽ và tốc độ lan tỏa nhanh chóng như vậy đã khiến thủy sản Việt Nam rơi vào "tầm ngắm" của nhiều đối thủ và nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói, đây là mặt hàng đầu tiên phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật của các nước ngay từ khi chúng ta gia nhập "sân chơi" toàn cầu. Đó là những biện pháp tự vệ liên tiếp được dựng lên nhằm ngăn cản bước tiến của các sản phẩm thủy sản "made in Vietnam" như cá tra, tôm, cá rô phi, mực, nhuyễn thể hai mảnh... Chẳng hạn, các lô hàng thủy sản Việt Nam thường bị từ chối nhập khẩu, với đủ lý do như dư lượng kháng sinh cao vượt mức cho phép, nhiễm khuẩn, các chất gây ô nhiễm khác hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thông tin từ ông Doãn Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Thương mại và Môi trường (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương), cho thấy, liên quan đến vấn đề chất lượng, mỗi năm Việt Nam thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu bị trả lại. Chẳng hạn, theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), ở 3 thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản giai đoạn 2002-2010, cao hơn so với các nước nhập khẩu khác. Riêng thị trường EU và Hoa Kỳ, Việt Nam luôn đứng đầu trong số các nước bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản. Riêng thị trường Úc, Việt Nam đứng thứ 4 về số vụ thủy sản bị trả về, gần 350 vụ.
Đó là chưa kể các vụ kiện chống bán phá giá, khởi đầu với mặt hàng cá tra, basa và sau đó là mặt hàng tôm, từ phía Bộ Thương mại Mỹ. Mỗi năm một lần, nhà chức trách Hoa Kỳ lại xét lại các mức thuế chống bán phá giá đối với từng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây bất lợi và gây thiệt hại hàng triệu đô.
Điển hình như vụ kiện chống bán phá giá với cá tra, basa Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm (từ 2011 đến 2013) tốn bao công sức, tiền bạc. Vừa qua, ngày 31/3/2014, Bộ Thương mại Mỹ vẫn tiếp tục công bố mức thuế đối với 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là 0,03 USD/kg (Vinh Hoan Corp) và 1,20 USD/kg (Hung Vuong Group) và mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg. Rõ ràng, khi tham gia sân chơi toàn cầu, thủy sản Việt Nam cũng như các mặt hàng khác phải chấp nhận luật chơi và sự cạnh tranh gay gắt từ hơn 200 quốc gia.
Việc các nước nhập khẩu đưa ra hàng loạt các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa của mình cũng là điều dễ hiểu, và Việt Nam cũng phải chấp nhận như một hình thức rủi ro trong thương mại, Tất nhiên, chúng ta cũng hoàn toàn có quyền đưa ra các biện pháp tương tự với các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo TS. Đỗ Đức Chi (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên thực tế, hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam xây dựng chưa được nhiều vì xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức thấp. Thêm vào đó, nhận thức và sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, trung ương và địa phương chưa cao.
Vượt qua thử thách và trụ vững.
Làm thế nào để nâng cao năng lực pháp lý và đảm bảo chất lượng, tăng tính cạnh tranh của thủy sản Việt Nam, tránh gặp phải những hàng rào kỹ thuật, các biện pháp tự vệ như kiện chống phá giá mà phía nhập khẩu đưa ra luôn là việc làm cấp thiết. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng, khi hàng hóa của mình bị khởi kiện, các doanh nghiệp nên tích cực, chủ động trong quá trình điều tra để hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất do vụ kiện gây ra, bởi các nước khi lạm dụng các biện pháp phòng vệ sẽ không thể áp đặt một cách quá đáng, nếu không nó sẽ có tác dụng ngược lại là họ có nguy cơ bị kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần có biện pháp phòng chống từ xa, thường xuyên chủ động theo dõi thị trường xem hàng hóa của mình vào thị trường đó có nguy cơ bị bán phá giá hay không, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp hay có những chuẩn bị khi đối phó với các vụ kiện. Quan trọng nhất là phải đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều một thị trường, tránh "bỏ trứng vào nhiều giỏ".
Tăng cường chất lượng với các sản phẩm xuất khẩu và có cơ chế dự báo theo dõi thường xuyên sản xuất ở nội địa nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ bị kiện là một trong những biện pháp phòng tránh tốt nhất. Trên thực tế, việc khởi kiện chống bán phá, chống trợ cấp để bảo vệ sản xuất trong nước chúng ta đã làm, như đối với mặt hàng.
Việt Nam cũng đã từng khởi kiện ra WTO về việc Hoa Kỳ áp mức thuế cao phi lý với cá tra, basa. Tuy nhiên, chi phí để khởi kiện và kháng kiện không hề nhỏ. Chúng ta đã tiêu tốn tới 500.000 USD với việc kháng cáo vụ kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa năm 2000 và 2 triệu USD khi kháng kiện vụ kiện tôm năm 2005.
Do vậy, ông Doãn Công Khánh khuyến cáo, tốt nhất là phía các bộ, ngành Việt Nam tổ chức kênh thông tin tốt hơn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời về các rào cản môi trường trong xuất khẩu; đồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam theo hướng tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, hoàn thiện hơn cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong các khâu nuôi trồng và chế biến.
Việc chủ động liên kết giữa các doanh nghiệp cũng hết sức cần thiết. Ở đây nhấn mạnh đến vai trò của các hiệp hội trong việc kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, trong việc kết nối với cơ quan quản lý để cùng đối phó với các rào cản thương mại, mà Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã làm khá tốt thời gian qua.