Địa ốc tan băng, cổ phiếu bất động sản ấm dần
(Tài chính) Càng về cuối năm, nhóm cổ phiếu bất động sản càng thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi doanh thu và lợi nhuận của loại hình doanh nghiệp này thường được hạch toán vào quý IV. Bên cạnh đó, sự khởi sắc trong kết quả 9 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp bất động sản khiến nhà đầu tư hy vọng và tin tưởng vào khả năng vượt lên của khối doanh nghiệp này.
Theo báo cáo tài chính quý III/2014, nhiều DN như KDH, HDG, KBC, PDR, CII có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều DN lội ngược dòng, chuyển từ lỗ sang lãi so với cùng kỳ. Riêng VIC – DN tầm cỡ lớn nhất thị trường bất động sản, luỹ kế 9 tháng, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 21.525 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ; nhưng do chi phí tăng cao, doanh thu tài chính giảm mạnh 81% nên lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ còn 2.824 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.
Nhiều DN có kết quả kinh doanh cải thiện rõ nét trong quý III năm nay. CTCP Phát Đạt (PDR) đạt kết quả doanh thu quý III là 52 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu đến từ hoạt động bán bất động sản. Lợi nhuận sau thuế đạt 7,8 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng, PDR hoàn thành 27% kế hoạch doanh thu và 22% kế hoạch lợi nhuận. Kết quả này tăng vượt bậc so với luỹ kế 6 tháng đầu năm 2014, PDR ghi nhận lãi 586 triệu đồng, bằng 1,5% kế hoạch đề ra. Mới đây, PDR đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu vào đầu năm 2015, giá bán bằng mệnh giá để đầu tư dự án và tái cơ cấu tài chính.
Tại CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII), quý III, CII đạt 77 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8%. Luỹ kế 9 tháng đạt 221 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 88% so với cùng kỳ. Tại ITA, nhờ hàng bán trả lại giảm mạnh, nên doanh thu thuần tăng đột biến 12 lần so với 9 tháng năm 2013, ở mức 267,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 97,5 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ và bằng 90% kế hoạch đề ra.
Nhiều doanh nghiệp bật lên có lãi so với cảnh lỗ của cùng kỳ năm trước, như LHG chuyển từ mức lỗ 11 tỷ đồng quý III/2013 sang lãi hơn 14 tỷ đồng quý III/2014. Tại KBC, Công ty ghi nhận mức lãi 165 tỷ đồng trong 9 tháng, trong khi cùng kỳ âm 129 tỷ đồng. KDH có kết quả kinh doanh đột biến khi ghi nhận mức lợi nhuận ròng hơn 30 tỷ đồng trong quý III, trái ngược với mức lỗ 91 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Mặc dù kết quả khả quan hơn các năm trước, nhưng nhiều CTCK vẫn đưa ra khuyến nghị NĐT cẩn trọng với cổ phiếu bất động sản, đầu tư có chọn lọc, bởi lượng hàng tồn kho vẫn đang rất cao. Chẳng hạn, tại VIC, tồn kho giảm 28%, nhưng con số tuyệt đối là khá lớn, dự báo ở mức hơn 6.500 tỷ đồng. Hàng tồn kho của PDR cũng duy trì ở mức cao với gần 5.500 tỷ đồng, tăng thêm 116 tỷ đồng so với cuối quý II. Thực tế này cho thấy, thanh khoản bất động sản mới chỉ được cải thiện, chứ không hẳn là sôi động, nguồn cung dư thừa vẫn còn nhiều, thực tế nhiều dự án dở dang vẫn không huy động được nguồn vốn để triển khai tiếp.
Điều không thể phủ nhận là, bước sang năm 2015 bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, việc lãi suất huy động tiếp tục giảm tạo điều kiện lãi suất cho vay giảm, sẽ giúp gia tăng nhu cầu mua nhà. Các chính sách mới được ban hành cũng theo hướng thuận lợi hơn, Thông tư 32/2014/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều theo hướng mở rộng đối tượng vay vốn, kéo dài thời gian áp dụng lãi suất thấp. Thông tư 36/2014/TT-NHNN có nội dung hạ hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150%. Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm khi đáp ứng được các điều kiện đi kèm. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm nên chọn mua những cổ phiếu bất động sản giá tốt, với kỳ vọng sẽ kiếm lớn năm 2015 khi thị trường bất động sản thực sự phục hồi.