Dịch Covid-19: Mua sắm trực tuyến ''lên ngôi'' dịp cận Tết
Người dân chuyển đổi việc mua sắm qua thương mại điện tử hay đặt hàng online, nhờ đó, hoạt động logistics, ship hàng hoặc kinh doanh qua các nền tảng số cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dịch Covid-19 đã khiến người dân Thủ đô bắt đầu hạn chế đi lại và di chuyển ngoài đường; các trường phổ thông đã cho học sinh chuyển sang chế độ học trực tuyến và nghỉ Tết sớm.
Các trung tâm siêu thị, chợ dân sinh trở nên vắng vẻ, thưa thớt khách tham quan, mua sắm dù chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.
Những tưởng, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh theo đó mà ngưng trệ, song thực tế, người dân đã thích ứng rất nhanh bằng cách chuyển đổi việc mua sắm qua thương mại điện tử hay đặt hàng online. Nhờ đó, hoạt động logistics, ship hàng hoặc kinh doanh qua các nền tảng số cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sản phẩm được bán qua mạng dễ gây bất ngờ nhất đối với khách hàng là hoa, cây cảnh trưng Tết.
Chị Đoàn Thanh Hương, cư dân ngõ Thịnh Quang (quận Đống Đa), cho biết sau 2 lần cất công lên chợ hoa Quảng Bá và vườn đào Nhật Tân không chọn được món đồ ưng ý, chị đã quyết định mua 1 cành đào và 1 chậu mai trắng qua 1 trang quảng cáo trên Facebook.
Khác với những nghi ngại thường thấy khi mua hàng qua mạng, lần này chị Hương đã chọn được cho gia đình món đồ trưng Tết rất đẹp với giá cả phải chăng.
Chị Hương bày tỏ: "Nếu không phải vì dịch bệnh, tôi cũng sẽ không mua hoa với cây cảnh qua mạng. Vì ngoài mục đích mua sắm thì đi chợ hoa cũng là 1 thú vui tao nhã của người Hà Thành... Mua hàng qua mạng có thể gặp nhiều rủi ro là điều tôi vẫn thường nghe. Nhưng trong hoàn cảnh dịch thế này, cũng không có phương án khác để lựa chọn. Mong mua bán gặp người có tâm thì cũng là được hưởng may mắn cho cả năm."
Chị Nguyễn Thúy Hiền, chủ cửa hàng Phở Yến (phố Cửa Bắc), cho hay cận Tết là mùa buôn bán kiếm ăn nhưng năm nay dịch bệnh khiến hàng quán nào cũng vắng vẻ, thưa thớt.
Sau thông tin có lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nội, cửa hàng trở nên vắng khách tới độ không bằng ngày thường. Doanh thu chỉ đủ trả lương cho nhân viên cũng còn khó khăn.
May mắn là không phải mất chi phí thuê mặt bằng nếu không cũng khó trụ đỡ qua giai đoạn này. Tạm thời, cửa hàng phải cắt cử nhân sự trực bán hàng qua mạng, sử dụng nền tảng số của trang mạng Foody, Now và Grabfood...
Mặc dù, doanh thu có thể thấp hơn bán trực tiếp nhưng cũng là kênh bán hàng khá hiệu quả và giúp thúc đẩy doanh số trong ngày tăng cao hơn so với trước thời điểm tái dịch.
Chủ hãng thời trang Dark Town, chị Nguyễn Xuân cho biết hiện tại, toàn bộ xưởng sản xuất và hoạt động kinh doanh của hãng đều được duy trì thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử.
Vừa quảng bá sản phẩm trên các trang như Sendo, Tiki, Lazada vừa kết hợp bán hàng livestream qua Facebook nên doanh số đạt được trong ngày tăng cao đáng kể.
Nhất là trong những ngày vừa qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi Tết đến lại ngày càng cận kề và nhu cầu mua sắm quần áo đón Tết của các gia đình cũng tăng cao hơn thường lệ.
Doanh thu trong ba ngày gần đây tăng từ 200-300%/ngày. Cửa hàng cũng phải tăng số lượt livestream lên gấp đôi và số lượng đơn hàng cũng tăng cao đáng ngạc nhiên.
Do số lượng đơn hàng quá tải, ngoài nhân viên giao hàng của shop, Dark Town phải thuê thêm một số hãng vận chuyển như Ahamove, Giao hàng Tiết kiệm, Grab hay Viettel Post, Shopee...
Mong muốn giao hàng đầy đủ, đúng hẹn và phí vận chuyển phải chăng là điều rất khó trong bối cảnh hiện nay, do sức ép của thị trường và thời điểm cận Tết nhưng phần lớn là do quan ngại về dịch bệnh..., chị Xuân cho biết thêm.
Đúng như phản ánh, nhân viên giao hàng Trần Bá Toản của hãng Ahamove cho biết, so với nhiều năm trước, Tết Nguyên đán 2021 có sự đột biến về lượng đơn giao nhận hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 khiến người dân lo ngại ra đường mua sắm hay bán buôn.
Sát Tết là những ngày đông vận đơn nhất và người vận chuyển (shipper) có những thời điểm phải làm thêm giờ tới 22 giờ thậm chí là 23 giờ đêm, tranh thủ để nhận thêm điểm thưởng từ nhà mạng.
Phí vận chuyển (ship) trong đợt này cũng tăng cao hơn thường lệ, khoảng 20% nhưng vận đơn vẫn "nổ" liên tục không kịp nhận.
Dù dịch bệnh cũng là khiến cho hoạt động chuyển hàng sôi động và tăng trưởng hơn nhưng thực lòng không ai mong muốn tình hình này kéo dài.
Chỉ xong dịch bệnh sớm được kiểm soát dịch bệnh, để người dân hưởng trọn dịp Tết Nguyên đán trong an lành và bình yên.