Dịch tả heo châu Phi áp sát một số tỉnh, thành phố phía Nam
Sau thời gian tạm yên ắng, gần đây bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2 tỉnh gần TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) là Đồng Nai và Bình Phước, cũng như chưa có dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Áp lực dịch bệnh
Việc bệnh dịch tả heo châu Phi áp sát, đặt TPHCM vào tình huống khó khăn khi Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất, không chỉ ở vùng Đông Nam bộ mà còn cả các tỉnh phía Nam với khoảng 2 triệu con.
Mỗi ngày, tỉnh này cung cấp từ 40% - 50% lượng heo giết mổ tại TPHCM cũng như các tỉnh lân cận. Mật độ chăn nuôi cao, thời tiết đang chuyển sang mùa mưa, do đó nguy cơ dịch bệnh phát tán và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Trong bối cảnh TPHCM có 3.917 hộ chăn nuôi với trên 274.000 con, trong đó 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, nên có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.
TPHCM còn có 11 cơ sở giết mổ heo với lượng giết mổ mỗi đêm 6.500-7.000 con. Từ ngày 25-2 đến nay, các cơ sở giết mổ đã không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào TPHCM.
Trong đó chưa kể tình trạng một lượng heo không nhỏ từ các tỉnh phía Bắc hàng ngày “quá cảnh”, đi ngang TP đưa về giết mổ ở các tỉnh miền Tây.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, cho biết, ngay từ đầu tháng 5-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP đã làm việc với chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh xung quanh TP để thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch tả heo châu Phi.
Cụ thể, như không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt heo từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng có dịch, tăng cường kiểm tra đối với cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng tiếp giáp có xuất nguồn thịt heo về TPHCM tiêu thụ.
Thiết lập kênh trao đổi, cập nhật thường xuyên diễn biến dịch tả heo châu Phi giữa lãnh đạo các chi cục để phối hợp kiểm soát nguồn heo đưa về TP giết mổ đảm bảo đúng quy định.
Thống nhất giám sát chặt chẽ nguồn heo về TP phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch thể hiện nguồn gốc ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp: xã, huyện, tỉnh.
Thống nhất tuyến đường vận chuyển heo xuất về TP giết mổ chỉ đi qua quốc lộ 1A và quốc lộ 1K; trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức và Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp.
Trường hợp vận chuyển heo về các tỉnh miền Tây Nam bộ, nếu chủ hàng có nhu cầu đi tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch.
Trong khi đó, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, địa phương có đàn heo nhiều nhất TPHCM, cho biết, đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Phú Cường và cầu Bến Súc, giáp ranh với tỉnh Bình Dương; thành lập đoàn kiểm tra lưu động kiểm tra khu vực cầu Tân Thái, giáp ranh với tỉnh Long An và các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Tây Ninh.
Riêng tuyến quốc lộ 22 sẽ do Đoàn liên ngành phòng chống dịch số 1 của TPHCM đảm trách. UBND huyện Củ Chi cũng chỉ đạo UBND các xã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, chủ động xuất kinh phí cho hộ dân tiêu độc khử trùng, kiểm tra và xử lý việc vận chuyển trái phép.
Trong khi đó, các quận, huyện khác của TPHCM khi tiếp nhận thông tin dịch bệnh xảy ra tại tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động triển khai các giải pháp chống dịch. Quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ở khu vực cầu Phú Long, giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Huyện Nhà Bè lập chốt tại cầu Rạch Dơi, Rạch Đỉa, giáp tỉnh Long An. Huyện Bình Chánh đề nghị, ngoài các tuyến đường bộ, TPHCM chú ý kiểm soát thêm tuyến đường thủy.
Không để người dân hoang mang
Tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019 của UBND TPHCM vừa qua, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, cho biết, khả năng xảy ra dịch ở TP là rất cao.
Từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo TPHCM đã ban hành kế hoạch ứng phó, đặt ra 3 tình huống: dịch ở phía Bắc, dịch áp sát TP, dịch vào TP. Hiện nay, TPHCM đang triển khai phương án 2.
Trước đó, tại buổi họp đột xuất của TPHCM để ứng phó trước diễn biến của bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Trần Ngọc Hổ đã kiến nghị lực lượng Thanh niên xung phong hỗ trợ 50 nhân sự để tập huấn các kiến thức chuyên môn bổ sung, cùng với nhân sự ngành thú y trong việc chuẩn bị tình huống 3 (dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại TP) như là biện pháp đón đầu, diễn tập trước. Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch phối hợp xử lý, đối phó tình huống 3…
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý Ban An toàn thực phẩm TPHCM, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả heo châu Phi (không lây sang người), người tiêu dùng nên ủng hộ heo sạch qua việc mua ở những nơi có nguồn gốc hợp pháp, rõ ràng; cũng như kiểm soát chặt tình trạng giết mổ trái phép, quản lý tốt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; không để xảy tra tình trạng bên trong chợ quản lý tốt nhưng bên ngoài chợ vẫn còn các điểm bán thịt heo trái phép.
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết, phòng chống dịch tả heo châu Phi là công việc vừa khẩn cấp vừa lâu dài, điều quan trọng là không để người dân hoang mang.
2 nguồn thịt cần quản lý chặt là kiểm soát 100% lượng thịt heo từ các tỉnh vào TP và từ đàn heo 274.000 con, với khoảng 4.000 hộ nuôi ở các huyện và quận ven. Đặc biệt, chú ý các hộ nuôi heo sử dụng thức ăn dư thừa. Thường xuyên kiểm tra lấy mẫu, khi phát hiện cần kịp thời xử lý.
Đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, quận, huyện nào để xảy ra giết mổ trái phép cần xem lại trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý địa bàn, làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và những người làm ăn chân chính.