Dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh nhất trong tháng 8
(Tài chính) Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, sau 8 tháng, CPI cả nước mới chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Cụ thể, CPI tháng 8 tăng ở 8/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,06%-0,45%; trong đó, mức tăng nhẹ nhất thuộc về nhóm văn hóa, giải trí và du lịch và tăng nhiều nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Có thể nói, CPI tháng 8 năm 2014 ít chịu tác động từ các yếu tố phi thị trường, điều này được thể hiện rõ qua diễn biến giá cả của các nhóm hàng chính như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có mức tăng mạnh nhất trong tháng ở mức 0,45% so với tháng trước trong đó lương thực tăng 0,45%, thực phẩm tăng 0,54% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%.
Kết thúc 5 tháng giảm liên tiếp, nhóm hàng lương thực tăng trở lại khi đón nhận những tín hiệu tốt từ việc xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn như Philippines hay Malaysia. Mặc dù vụ đông xuân vừa qua, cả năng suất và sản lượng tại hai vựa lúa lớn của cả nước đền tăng mạnh, cung cấp nguồn cung dồi dào đảm bảo đáp ứng được cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, nhóm hàng thực phẩm vẫn tiếp tục giữ đà tăng giá so với tháng trước. Chi phí chăn nuôi vẫn ở mức cao cộng với chi phí vận chuyển tăng là những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thực phẩm chưa có cơ hội giảm giá.
Nhóm tăng giá cao thứ hai là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép khi đạt mức 0,32% so với tháng trước. Thời tiết đã chuyển mùa thu cũng là lúc bắt đầu vào năm học mới khiến nhu cầu mua sắm quần áo mới ở một số địa phương có tăng cao hơn trước là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá nhóm này tăng cao hơn hẳn so với mức tăng của tháng trước.
Ở phía các nhóm hàng giảm giá, yếu tố thế giới đã thể hiện rõ tác động đến giá cả trong nước trong tháng qua. Giá gas nhập khẩu liên tục giảm khiến giá gas bán lẻ của các hãng đồng loạt giảm khoảng 12 nghìn đồng/ bình 12kg từ đầu tháng qua là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt giảm 0,31% so với tháng trước.
Cũng do ảnh hưởng từ giá thế giới, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 3 đợt liên tiếp vào các ngày 18/7, 28/7 và ngày 7/8 nên khiến chỉ số giá xăng dầu giảm 0,16% so tháng trước và chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,15% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, các nhóm mặt hàng giảm giá tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng và điện sinh hoạt. Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhiều nhất 0,31%, điện sinh hoạt giảm 0,73% so tháng trước. Đồng thời, giá vật liệu xây dựng ổn định do tháng này đang là mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, CPI mấy tháng gần đây vẫn chỉ tăng ở mức thấp, mặc dù đã bắt đầu đến vụ sản xuất chuẩn bị hàng cho cuối năm, nhưng do kinh tế vẫn còn khó khăn và người dân chỉ chi tiêu những mặt hàng thiết yếu. Dự kiến, CPI tháng 9 tới có thể tăng mạnh hơn do vào mùa tựu trường, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sẽ nhiều hơn...