Diễn biến mới của tỷ giá USD/VND: “Chủ động cân đối được”
Một lần nữa, tỷ giá USD/VND cho thấy mức độ nhạy cảm và có liên thông nhất định với thế giới bên ngoài.
Trong hai ngày liên tiếp (7 và 8/5), tỷ giá USD/VND có bước tăng mạnh nhất, đáng chú ý nhất kể từ cuối 2018 đến nay. Quãng ổn định trong gần 5 tháng qua đã có những thay đổi đáng kể đầu tiên.
Phản ánh bình thường
Nếu so với mức gần như không thay đổi quanh 23.250 VND giá USD bán ra phổ biến trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại trong quý 1/2019, bước tăng 170 - 180 VND chỉ trong một tháng trở lại đây, đặc biệt trong hai ngày qua trở nên nổi bật.
Diễn biến trên gắn với một số yếu tố tác động chính, bên trong và bên ngoài, tựu trung phản ánh mức độ nhạy cảm hơn của tỷ giá USD/VND.
Cũng tầm này năm ngoái, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung manh nha tạo hơi nóng, cùng đó là các đợt tăng lãi suất liên tiếp mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành… Tỷ giá USD/VND tầm này năm ngoái cũng có biểu hiện nhấp nhổm.
Trong bối cảnh đó, đà lao dốc kỷ lục của đồng Nhân dân tệ được xem là một phản ứng trong cuộc chiến nói trên, có tác động đến tỷ giá USD/VND, ít nhất là về tâm lý thị trường. Thêm nữa, khi đó quan ngại vốn ngoại tại Việt Nam có thể đảo chiều cũng góp thêm áp lực.
Lần này, căng thẳng mới và có biểu hiện dâng lên trong diễn tiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nổi lên. Chỉ số USD Index, đồng Nhân dân tệ trong cặp tỷ giá với USD, hay lợi suất trái phiếu Mỹ… những ngày đầu tuần này cho phản ứng mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng chao đảo.
Trong bối cảnh đó, tỷ giá USD/VND cũng phản ánh sự nhạy cảm, có liên thông nhất định với những diễn biến trên thị trường thế giới. Tâm lý thị trường cũng gợn sóng, các giao dịch ngoại tệ hoặc lựa chọn nắm giữ USD hay VND cũng trở nên cân nhắc hơn.
Theo đó, đợt tăng đang thể hiện của tỷ giá USD/VND là bình thường, phản ánh những vận động mới bên trong và bên ngoài với mức độ lớn hơn, có tính chất “nóng” hơn xoay quanh nhân tố chính là căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Chủ động cân đối được”
Trước thềm đợt biến động này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nâng từng bước tỷ giá trung tâm thêm khoảng 0,7% kể từ đầu năm, trong khi tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại chỉ tăng khoảng 0,5%.
Và trước khi có “cú tuýt” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này khiến thị trường toàn cầu chao đảo, thì tỷ giá USD/VND cũng có biểu hiện tăng lên trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Dấu hiệu trên trước hết gắn với cú rơi rất nhanh và sâu của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, thậm chí đưa điểm hoán đổi với lãi suất USD trên thị trường này về mức rất hẹp; như lãi suất VND qua đêm trước nghỉ lễ có lúc rơi xuống sát 2,5%/năm, gần như ngang bằng với lãi suất USD.
Điểm hoán đổi lãi suất vẫn là một tham số quan trọng để tính các mức giao dịch tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng, và từ đây chiếu sang tỷ giá giao dịch trên thị trường 1 (với dân cư và tổ chức).
Trước cú rơi đó của lãi suất VND, Ngân hàng Nhà nước đã cấp tập trở lại hút bớt tiền về, khoảng 30.000 tỷ đồng được hút về, nâng số tổng lượng hút về ngay sau cú rơi đó lên tới gần 50.000 tỷ đồng. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lập tức tăng trở lại, điểm hoán đổi với lãi suất USD lập tức được nới rộng để gián tiếp hạn chế nhịp tăng của tỷ giá USD/VND.
Nhìn lại những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hơn nhiều trong cân đối lãi suất với tỷ giá, thông qua các công cụ điều tiết nguồn, cùng đa dạng hơn các nghiệp vụ và sản phẩm trong can thiệp để mang tính thị trường hơn.
Với riêng tỷ giá USD/VND, sự chủ động cũng gia tăng khi cơ quan này đã mua vào tới hơn 8 tỷ USD những tháng đầu năm, đưa quy mô dự trữ ngoại hối lên tới gần 67 tỷ USD.
“Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hơn trong cân đối lãi suất và tỷ giá. Những biến động hiện nay là bình thường khi thị trường thế giới có những biến động mạnh từ đầu tuần đến nay. Trong trường hợp thị trường cần hỗ trợ nguồn ngoại tệ, có biểu hiện thiếu cung, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ra can thiệp, như từng thực hiện vào cuối năm 2018”, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước nói, khi trao đổi với BizLIVE.
Cũng theo vị lãnh đạo này, điểm quan trọng nhất trong các đợt biến động tỷ giá là cung - cầu vẫn đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp vẫn được đáp ứng đầy đủ và giao dịch trên các thị trường vẫn thông suốt.
Trong khi đó, trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, điển hình như tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) trong đợt biến động đang thể hiện này, lần hiếm hoi trong rất nhiều năm qua chênh lệch giá mua vào USD áp thấp hơn giá bán ra tới 120 VND, rộng hơn nhiều so với khoảng 80 - 90 VND thường thấy.
Chênh lệch doãng rộng đó một phần phản ánh nhu cầu mua ngoại tệ của ngân hàng tại thời điểm áp giá không lớn, không áp lực, và một mặt dự phòng nhất định khả năng rủi ro có giá xuống.