Điều chỉnh tỷ giá: Tác động thế nào đến chứng khoán?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ giúp cho các công ty xuất khẩu có rất nhiều thuận lợi, khi có doanh thu bằng USD.

Điều chỉnh tỷ giá: Tác động thế nào đến chứng khoán?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tỷ giá luôn là vấn đề nóng trên thị trường tài chính có thể khiến thị trường sụt giảm bất ngờ hoặc vẫn tăng ổn định. Một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ tăng hoặc giảm doanh thu khi tỷ giá điều chỉnh. Đây cũng là mối quan tâm của giới đầu tư vì tỷ giá tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán (TTCK).

Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ thường tăng mạnh gây áp lực lên tiền đồng. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quan điểm cho rằng tiền đồng có thể được điều chỉnh tăng thêm tối đa 2% vào các tháng còn lại trong năm.

Như vậy, nhiều khả năng tỷ giá USD/VNĐ sẽ được điều chỉnh tăng lên trong tương lai gần. Điều này sẽ tác động như thế nào đến TTCK. Cổ phiếu ngành nào sẽ được hưởng lợi và ảnh hưởng khi tỷ giá điều chỉnh?

Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?

Việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ giúp cho các công ty xuất khẩu có rất nhiều thuận lợi, khi có doanh thu bằng USD. Có thể kể đến một số nhóm ngành như: thủy sản, cao su, khoáng sản, nông sản, dầu khí… Trong những đợt điều chỉnh tỷ giá trước đây, hàng loạt cổ phiếu trong những ngành này như FMC, APC, ANV, KSD, KSH,… đã bật tăng mạnh.

Vào giữa năm 2013 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng 1%, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), phân tích nhóm ngành xuất khẩu có nguồn thu đô-la lớn như cao su tự nhiên (PHR và DPR), thủy sản (HVG và VHC)… Nếu tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh từ 1-2% nữa thì các DN này sẽ tiếp tục hưởng lợi.

Trong đó, cao su Phước Hòa (PHR) có doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 50% tổng doanh thu hàng năm của công ty. Năm 2013, kỳ vọng doanh thu xuất khẩu của PHR có thể đạt khoảng 36 triệu đô-la (giảm do giá cao su giảm). Vì vậy, nếu tỷ giá tăng 1% thì lãi từ chênh lệch tỷ giá của PHR sẽ là 7,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, PHR cũng có khoản nợ vay bằng đô-la là khoảng 250 tỷ đồng (gần 12 triệu đô-la) nên công ty cũng sẽ bị lỗ tỷ giá khoảng 2,6 tỷ đồng nếu tỷ giá tăng 1%. Do đó, khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá ròng của PHR nếu tỷ giá tăng 1% ước tính là gần 5 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2013 của PHR tăng 3% lên 343 tỷ đồng (-43% n/n), tương ứng với mức EPS dự phóng khoảng 4.788 đồng và chỉ số PE kỳ vọng 2013 khoảng 5,9 lần. Ngoài ra, lợi tức cổ tức hàng năm của PHR dự phóng trên 10%.

Cao su Đồng Phú (DPR) cũng được dự báo là một trong các công ty được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá. Ước tính doanh thu xuất khẩu năm 2013 của DPR có thể đạt khoảng 14 triệu đô-la. Do DPR gần như không có nợ vay USD nên nếu tỷ giá tăng 1% thì lãi chênh lệch tỷ giá ước tính của DPR là khoảng 3 tỷ đồng. Theo đó, MBKE điều chỉnh dự báo LNST 2013 của DPR tăng 2% lên 401 tỷ đồng (-25,6% n/n), tương ứng với EPS 2013 khoảng 9.330 đồng và PE dự phóng là khoảng 4,9 lần.

Hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam đều xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới là EU, Mỹ, Nhật…

Và phần lớn các hợp đồng xuất khẩu đều dưới đồng tiền USD. Đổi lại, các công ty thủy sản thường vay bằng đồng USD để tài trợ vốn lưu động do đồng USD có lãi suất thấp hơn đồng VND. Tuy nhiên, lượng tiền vay đều thấp hơn so với doanh thu mang lại. Do vậy, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND sẽ mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận của các DN.

Doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng?

Thông thường, việc tăng tỷ giá sẽ khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn với các khoản nợ bằng USD, giá hàng nhập khẩu tăng, chỉ số CPI tăng, do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ngoài ra, việc tăng tỷ giá cũng khiến cho khối ngoại tăng cường hoạt động bán ròng vì tỷ suất sinh lợi của họ sẽ "tự nhiên" bị sụt giảm.

Trước đây, vào đầu năm 2011, sau khi thông tin điều chỉnh tỷ giá được công bố, khối ngoại đã chuyển từ trạng thái mua ròng trước đó sang bán ròng khá mạnh. Nguyên do là việc điều chỉnh tỷ giá mạnh và bất ngờ khiến thị trường suy giảm niềm tin, tỷ suất sinh lợi của các quỹ, công ty đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng đáng kể mà không thể dự báo trước.

Tuy nhiên, vào thời điểm giữa năm 2013, khi NHNN đã điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% từ mức 20,828 đồng lên 21,036 đồng/USD. Đây là lần điều chỉnh tỷ giá duy nhất từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường vẫn tăng điểm khá tốt sau đợt tăng tỷ giá này. Có lẽ mức điều chỉnh tỷ giá vừa phải đã giúp thị trường không bị sốc và hoạt động giao dịch trên TTCK không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một số nhóm ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc vay nợ bằng ngoại tệ nhiều sẽ bị thu hẹp lợi nhuận do phải trích lập dự phòng rủi ro tăng tỷ giá nhiều hơn như: thủy điện, vận tải chịu ảnh hưởng bất lợi từ xu hướng tăng tỷ giá, khi phần lớn DN thuộc các nhóm ngành này đều vay nợ bằng ngoại tệ khá nhiều.

Việc tăng tỷ giá cũng sẽ có tác động đến một số ngành có tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu lớn như sắt thép (HSG và POM) và các công ty có tỷ lệ nợ vay bằng đô-la lớn.

Một số lĩnh vực hoạt động của FPT chịu tác động của biến động tỷ giá như xuất khẩu phần mềm, phân phối bán lẻ. Do đó, biến động tỷ giá USD/VND thường có tác động 2 chiều đến kết quả kinh doanh của FPT.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá đôi khi cũng là tín hiệu tích cực cho khối ngoại và dự báo dòng tiền của khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục giải ngân vào thị trường mạnh hơn.

Với việc phát đi thông điệp điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ tăng không quá 2% từ đây đến cuối năm 2013, nhiều khả năng đợt tăng tỷ giá này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK.