Điều gì đang chờ tân Tổng thống Nigeria?
(Tài chính) Việc cựu lãnh đạo quân đội, Tướng Muhammadu Buhari giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Nigeria, đảng đối lập đánh bại đảng cầm quyền giành quyền kiểm soát đất nước thông qua lá phiếu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đang đợi chính quyền của ông Buhari.
Ông Buhari, 72 tuổi, là một người Hồi giáo và nhận được sự ủng hộ của quân đội Nigeria. Buhari không phải là một gương mặt mới trên chính trường Nigeria, ông từng tiến hành một cuộc đảo chính và lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn 1984-1985. Sau đó, ông bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ibrahim Babangida chỉ đạo. Ông Buhari từng ra tranh cử Tổng thống ba lần (vào các năm 2003, 2007 và 2011) song đều thất bại.
Tuy nhiên, tình hình chính trị tại Nigeria giờ đây đã đổi khác. Hiện ông được xem là người có khả năng đương đầu tốt hơn với các tay súng nổi dậy. Ông đã tranh cử với ưu tiên hàng đầu là tập trung trấn áp Boko Haram, quyết tâm chống tham nhũng và cam kết xây dựng một Nigeria mới, cải thiện điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo và những người bị thiệt thòi trong xã hội.
Theo các nhà phân tích, thách thức cấp bách nhất đối với Nigeria vẫn là nguy cơ mất an ninh đến từ tổ chức khủng bố Boko Haram. Bạo lực liên tiếp với mức độ ngày càng nghiêm trọng buộc Nigeria phải hoãn tổng tuyển cử, lẽ ra tổ chức hôm 14.2 vừa qua. Sự hoành hành dữ dội của nhóm Hồi giáo Boko Haram ảnh hưởng đáng kể đời sống của người dân quốc gia đông dân nhất châu Phi này.
Lấy tôn chỉ mục đích của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng làm nguồn cảm hứng để thực hiện mưu đồ thành lập một vương quốc Hồi giáo ở khu vực Tây Phi, Boko Haram ngày càng thể hiện là một tổ chức khủng bố hoạt động với các hình thức tinh vi và mức độ nguy hiểm khiến 21.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người bị mất nhà cửa. Giao tranh giữa quân đội với phiến quân Boko Haram có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tại khu vực và cả vùng Sừng châu Phi.
Nền kinh tế tăng trưởng kém cũng là một thách thức lớn đối với tân Tổng thống Nigeria. Là một nền kinh tế dựa chủ yếu vào các nguồn tài nguyên, Nigeria từng được hưởng lợi khá nhiều từ giá dầu thô cao, giúp nước này đạt nhịp độ tăng trưởng ấn tượng. Năm 2014, Nigeria đã soán ngôi Nam Phi, trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, giá dầu thế giới lao dốc thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này. Do vậy, Tổng thống đắc cử sẽ phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vốn không được người dân ủng hộ.
Thêm vào đó, việc đồng nội tệ Naira của Nigeria bị phá giá cho thấy xu hướng tiêu cực này trong nền kinh tế quốc gia. Nhiều khả năng đồng Naira vẫn bị mất giá ngay cả khi nền kinh tế nước này được phục hồi. Quyết định giảm giá nhiên liệu thời gian vừa qua của Chính phủ Nigeria cũng sẽ không có tác động đáng kể đến tỷ lệ lạm phát đang tăng mạnh hiện nay. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Nigeria cắt giảm mạnh chi tiêu công sẽ cản trở những nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đang xuống cấp trầm trọng.
Nigeria đã đi được một chặng đường dài. Sự lựa chọn chính trị và kinh tế ở phía trước đòi hỏi phải trao quyền lão đạo đất nước cho một nhân vật đáng tin cậy và cần có thời gian để thẩm định sự chọn lựa của cử tri.