Điều gì đưa đẩy Huyền Như trở thành một “siêu lừa”?
(Tài chính) Một nhân viên ngân hàng, mới ở tuổi 29 mà Huyền Như đã bạo gan đi mượn hàng trăm tỷ đồng lãi suất cao để mua bất động sản khắp nơi. Bất động sản rơi vào “bất động”. Lãi mẹ đẻ lãi con khiến Huyền Như làm liều, đi vào con đường phạm pháp.
Ngày 6/1, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm ra trước vành móng ngựa để xét xử về hàng loạt tội danh như: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cho vay nặng lãi”, “vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như Huyền Như là ai, có ai giúp đỡ hay không mà lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng, tinh vi thế?. Và quan trọng hơn, lý do, nguyên nhân nào đẩy Huyền Như trở thành một “siêu lừa” như thế?...
Huyền Như, xuất phát điểm là cán bộ tín dụng của ngân hàng ngân thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank). Từ năm 2007, khi mới chỉ 29 tuổi thôi nhưng cô gái này đã mạnh dạn mượn tiền của nhiều tổ chức, cá nhân với hàng trăm tỷ đồng để mua đất động sản khắp nơi như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang…
Thời điểm đó, đất đai “sốt xình xịch” nên Huyền Như cứ mải chạy theo lợi nhuận mà quên mất những nguy cơ rủi ro, tiềm ẩn. Đến năm 2010, khi bất động sản đóng băng, thì số tiền hơn 200 tỷ đồng mà Huyền Như vay mượn với lãi suất “khủng” cũng bắt đầu “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Đang loay hoay tìm lối ra khi khoản nợ nần ngập đầu thì cái vị trí đang ngồi tại Vietinbank là phó Phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh lại trở thành một “phao cứu sinh”, giải pháp hữu hiệu cho Huyền Như.
Lợi dụng vị trí, chức vụ, quyền hạn đang có, Huyền Như bắt đầu hành trình lừa đảo bằng thủ đoạn làm giả con dấu, giả tài liệu, hồ sơ của các tổ chức cá nhân, câu kết với một số đồng nghiệp, cá nhân khác…
Với thẩm quyền được phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh, Huyền Như bắt đầu hành trình lừa đảo của mình.
Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người đàn ông trên đường Phạm Hồng Thái, gần công viên 23/9, quận 1 làm giả 8 con dấu đứng tên các cơ quan, đơn vị gồm: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm toàn cầu, Saigonbank - Berjaya.
Trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để huy động tiền nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Tuyệt chiêu huy động vốn với mức hưởng lãi suất chênh lệnh cao bằng việc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của ngân hàng và một số cá nhân đơn vị, Huyền Như đã dễ dàng đưa các con mồi vào bẫy đã giăng sẵn. Một số ngân hàng thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã bị Huyền Như lừa mất trắng cả nghìn tỷ đồng.
Huyền Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, hành vi của Huyền Như dù có tinh vi, gian xảo đến mức nào cũng không qua mắt được “lưới” pháp luật. Nhận đơn tố cáo của các cá nhân, tổ chức, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc. Kết quả điều tra cho thấy, Huyền Như đã thực hiện trót lọt hành vi, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền là 3.982 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Như trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân, trả nợ gốc, nợ lãi…
Số tiền trong vụ “đại án” Huyền Như và đồng bọn chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng là quá lớn; tuy nhiên đến nay, số tài sản thu giữ, kê biên được của các bị can chỉ gồm: Các loại tài sản trị giá hơn 624 tỷ đồng, gần 157.000 euro, hơn 4.600USD… Tổng cộng, chưa đến 1.000 tỷ đồng! Còn hơn 3.000 tỷ đồng vẫn chưa biết đã “đi đâu và về đâu”.
Với hàng loạt tội danh, Huyền Như tự biến mình từ một cán bộ có chức vụ, uy tín trong một ngân hàng lớn trở thành kẻ phạm tội và chắc chắn sẽ chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật.
Bất động sản đem lợi cho nhiều người nhưng cũng không ít người “bất động”, điển hình là Huyền Như, bởi cô như con tàu đi trật đường ray. Qua vụ Huyền Như, mới thấm thía câu mà tiền nhân đã dạy: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.