Điều hành tỷ giá không chạy theo thị trường


(Tài chính) Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 21.458 đồng/USD nhưng giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 3/4 đã tăng lên 21.620 đồng/USD, thậm chí ở một số đơn vị đã tăng lên 21.630 đồng/USD. So với mức trần của Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh từ ngày 7/1/2015 là 21.673 đồng/USD, thì mức giá này chỉ còn cách trần 53 đồng.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 21.458 đồng/USD. Nguồn: internet
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 21.458 đồng/USD. Nguồn: internet
Như vậy chỉ trong 3 ngày, đồng đô la đã tăng từ 30 - 40 đồng so với đồng Việt Nam, tùy từng ngân hàng. So với tuần trước, mỗi USD đã tăng từ 75 - 80 đồng/USD.  Khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra ở các ngân hàng cũng giữ mức cao, trung bình từ 60 - 80 đồng. Đây là lần thứ hai từ đầu năm đến nay đồng đô la Mỹ tăng giá so với đồng Việt Nam. Điều khác biệt ở lần này là thông điệp không điều chỉnh tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra không giúp trấn an thị trường lâu. Chỉ 1 ngày sau tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, giá USD đã tiếp tục tăng.

Trước diễn biến này, có ý kiến cho rằng, ngoài áp lực cung - cầu của thị trường, thì có khả năng một số ngân hàng thương mại đã bắt tay nhau để tác động vào tỷ giá. Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không có hoạt động này trên thị trường. Diễn biến tỷ giá có xu hướng tăng trên thị trường hiện nay chủ yếu là do yếu tố tâm lý, còn các yếu tố về kinh tế cơ bản không có biến động lớn và không đáng quan ngại. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động trên nhiều mặt đến nền kinh tế như: mức độ cải thiện xuất khẩu so với tác động tăng chi phí nhập khẩu; sức ép gia tăng lạm phát; ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận việc sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu sẽ được cải thiện khi phá giá đồng Việt Nam, nhưng đây không thể là căn cứ duy nhất để quyết định điều chỉnh tỷ giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tính toán trên cơ sở tổng thể quốc gia có lợi hay hại nếu phá giá để đưa ra quyết định. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương cũng cho biết, cung - cầu ngoại tệ của nước ta trong những năm gần đây ở trạng thái tốt và dự trữ ngoại tệ hiện cao gấp 3-4 lần so với 5 năm trước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa để giữ ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng có chủ trương không chạy theo thị trường mà cố gắng giữ ổn định tỷ giá, nếu phải điều chỉnh thì cũng sẽ ở mức xã hội chấp nhận được, không phá giá ồ ạt. Tuy nhiên, bà Dương Thu Hương cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đề phòng trạng thái ngược lại với trạng thái đang có (nghĩa là nhập siêu, cán cân thương mại âm, tăng trưởng GDP cao). Cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Lương Văn Khôi chỉ rõ, nếu tính theo tỷ giá đa phương, thì khi đồng đô la tăng 5%, giá trị đồng Việt Nam sẽ giảm 0,07%. Việc giảm giá trị đồng Việt Nam chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, nên tác động đến nền kinh tế không nhiều. Mặt khác, tác động tích cực của điều chỉnh tỷ giá đối với xuất khẩu cũng cần xem lại, khi mà tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa xuất khẩu của nước ta vẫn dưới 1%, nguồn gốc của hàng chủ yếu từ nước ngoài. Với bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do như hiện nay, thì việc phá giá sẽ có tác động không nhiều, trong khi đó lại làm tăng áp lực trả nợ với cả Chính phủ và doanh nghiệp - ông Lương Văn Khôi nhấn mạnh.

Thực tế, nước ta không thiếu những bài học kinh nghiệm của việc điều chỉnh tỷ giá theo thị trường. Thông thường, khi tình trạng này xảy ra, thì người dân không hề giảm mua vào, mà ngược lại sẽ tăng tích trữ, tạo áp lực phải phá giá đồng Việt Nam thêm. Hậu quả không chỉ như vậy, khi đồng đô la tăng giá so với đồng Việt Nam thì lạm phát cũng rất dễ tăng lên. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động trong điều hành tỷ giá, xây dựng nhiều kịch bản để thị trường theo hướng có lợi nhất cho nền kinh tế.