Điều trị bệnh "nghiện" dự án?
(Tài chính) Hội chứng "nghiện dự án" đã và đang xảy ra ở khắp các địa phương trên cả nước. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, không có hoặc hiệu quả thấp. Không ít dự án không có vốn để tiếp tục thực hiện dẫn đến lãng phí nghiêm trọng.
Cách đây chừng 2 tháng, đề xuất đặt thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m trên trục Bắc - Nam của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là đề tài nóng của báo giới và dư luận. Sau một thời gian xem xét, cân nhắc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa ra quyết định bác bỏ đề xuất của Tổng Công ty ĐSVN, với lập luận đề án này hoàn toàn không phù hợp với định hướng phát triển đường sắt đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ "sính" đề án khủng
Còn nhớ, hồi tháng 4/2014, vị bộ trưởng này cũng đã bác đề xuất xin 313 tỷ đồng để sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và phê bình cơ quan này đã thiếu cẩn trọng trong việc tham mưu đề xuất. Câu chuyện này lại làm chúng ta nhớ lại một đề xuất làm dư luận dậy sóng, đó là đề án thay đổi sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT với số tiền 34.000 tỷ đồng.
Tương tự như vậy, đề án tổ chức ASIAD do Bộ VH-TT&DL xây dựng cũng có số tiền lên tới hơn ngàn tỷ đồng. Tất nhiên, những "đề án khủng" này đã vấp phải sự không đồng tình của các đại biểu Quốc hội cũng như đa số người dân và cuối cùng cũng bị bác bỏ. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Vì sao những dự án "khủng" như vậy vẫn liên tục được đưa ra, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, chính phủ đang phải thắt chặt đầu tư công?
ĐBQH Bùi Mạnh Hùng lấy ví dụ từ thực tế giám sát một số công trình đầu tư công "hiệu quả thấp, nhưng thủ tục vẫn đúng, chủ đầu tư vẫn đúng. Chủ đầu tư đưa đầy đủ hết hồ sơ giấy tờ. Cái gì cũng đúng, cũng đủ dù hiệu quả thì không có".
ĐBQH Bùi Văn Phương thì nêu thực tế với căn bệnh "chạy dự án, nghiện dự án, thích dự án, không tính đến hiệu quả". Theo ông Phương, nguyên nhân "chính là do vấn đề trách nhiệm cá nhân".
Tình trạng dự án chậm tiến độ phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Bộ KH&ĐT tổng hợp số liệu báo cáo của 113/123 cơ quan có báo cáo, kết quả: Năm 2013, có tới 3.391 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,59% số dự án thực hiện. Có 3.982 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, trong đó 2.081 dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư và 1.454 dự án điều chỉnh tiến độ đầu tư.
Đáng chú ý, trong năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 724 dự án có thất thoát, lãng phí, tăng gần như gấp đôi so với con số 368 dự án có thất thoát, lãng phí của năm 2012, số tiền được xác định bị thất thoát, lãng phí ít nhất là 74 tỷ đồng.
Đâu là nguyên nhân của hội chứng "nghiện dự án"? Nhiều chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng đó là do tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích và không loại trừ cả hành vi tham nhũng từ dự án.
Vậy, làm gì để "điều trị căn bệnh nghiện dự án"? Trước hết, cần chấn chỉnh kỷ cương trong quyết định đầu tư. Chỉ thị 1792/CT-TTg đã ban hành từ năm 2011, song nhiều địa phương vẫn vi phạm vào năm 2013.
Vì sao tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" trong đầu tư công vẫn tiếp diễn mà không ai bị kỷ luật? Đã đến lúc cần phải quy định rõ ràng về trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định đầu tư nếu vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hoặc để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Địa phương ham thành tích
Cách đây đúng 6 năm, người dân tỉnh Hậu Giang đón nhận niềm vui khi tỉnh nhà có nhà đầu tư lớn "đổ tiền" vào xây dựng nhà máy giấy ở huyện Châu Thành. Lúc đó, nhiều người còn bay bổng bởi lời hứa hẹn trong ngày khởi công: 14 tháng sau sẽ có một nhà máy hiện đại thuộc "top" đầu trong khu vực, làm thay đổi diện mạo mảnh đất này. Thế nhưng, chờ đợi đến 6 năm trời, cái mà người dân vùng "gạo trắng nước trong" nhận được vẫn chỉ là lời hứa từ nhà đầu tư.
Nếu nói về các dự án tỷ đô đắp chiếu có lẽ Thanh Hóa cũng đáng được xếp vào dạng có "thành tích", mặc dù mới đây Thanh Hóa đã làm cho nhiều tỉnh, thành khác phải ghen tỵ với dự án lọc dầu khổng lồ, đưa thành tích thu hút vốn đầu tư của tỉnh này lên hàng đầu trong cả nước. Thu hút được nhiều dự án, nhưng để dự án không nằm trên giấy vẫn là câu chuyện đau đầu ở xứ Thanh.
Trước tiên của tỉnh này phải kể đến dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn. Từng được kỳ vọng là điểm nhấn của ngành công nghiệp vùng phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến nay, toàn bộ mặt bằng nhà máy (hơn 40 ha) thuộc Dự án này đã biến thành bãi trồng rau, màu. Dự án đang đứng trước nguy cơ chết yểu, vì tính khả thi không cao.
Dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Châu Lộc tại xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng không là ngoại lệ, với đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng, do Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư, đã được khởi công từ tháng 3/2003. Cho đến nay, mặc dù đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2004 và giao chủ đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, dự án bỗng dưng chết yểu.
Lý giải về tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng do sự thi đua phát triển của các địa phương dẫn đến các cơ quan của Chính phủ không đủ thời gian và không nỡ lòng thẩm định quá chặt chẽ để mang tiếng cản trở sự phát triển của các địa phương.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam, thổ lộ: "Tôi đi mấy địa phương, thấy thêm một nhà máy xi măng là lãnh đạo và người dân tưng bừng, trong khi, thực chất nó chẳng mang lại cái gì lớn cả. Nhiều nơi đang cố kéo FDI để tăng GDP chứ không phải là để phát triển, để tạo sức lan tỏa".