Định hướng không gian đô thị TP. Hồ Chí Minh
Trong những năm vừa qua, mỗi thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hồ Chí Minh đều có dấu ấn của quá trình nghiên cứu quản lý phát triển đô thị, và ngược lại những kết quả thu được từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra nguồn lực để TP tiếp tục phát triển.
Tăng quỹ đất phát triển đô thị
Với địa giới hành chính trải rộng trên 2.000km2, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn quỹ đất đô thị phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, định hướng phát triển không gian đô thị TP. Hồ Chí Minh đã được quy hoạch với hàng ngàn đồ án. Với hệ thống đồ án này, việc quản lý sau quy hoạch và các lĩnh vực khác trong công tác quản lý phát triển đô thị đã được thực hiện có hiệu quả.
Thực tế, việc định hướng không gian phát triển đô thị đã chịu sự tác động của việc thay đổi nhận thức về vị thế, hay nói một cách là vị trí mang tính địa chính trị trong khu vực. Vì vậy, định hướng phát triển không gian đô thị TP. Hồ Chí Minh đã có những chuyển hướng trong từng thời kỳ.
Theo đó, trong gần 30 năm qua, TP đã nghiên cứu quy hoạch chung - xây dựng đô thị (QHC-XDĐT) lần đầu vào năm 1993 và 2 lần điều chỉnh vào những năm 1998 và 2010. Qua mỗi lần điều chỉnh, quy mô diện tích đất dành cho phát triển đô thị ngày càng tăng, các hướng chính để phát triển ngày càng được mở rộng.
Trong các lần điều chỉnh QHC-XDĐT1998 và 2010, các khu đô thị (KĐT) mới đã lần lượt được xác định. Như trước thời kỳ mở cửa hội nhập, quy hoạch của TP không chủ trương hướng về phía Đông, nhưng sau khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, TP đã chủ động định hướng quy hoạch tiến ra phía biển để có được sự phát triển như hôm nay.
Với tầm nhìn mang tính chiến lược trong việc mở rộng không gian khu vực đô thị hiện hữu, ngay từ đầu những năm 90, bên cạnh việc triển khai các dự án cải tạo nhà ở dọc kênh rạch Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Bến Nghé… các khu nhà ở mới, lãnh đạo TP đã nghiên cứu phát triển các KĐT mới trên cơ sở các điều kiện thuận lợi về quỹ đất cũng như hệ thống hạ tầng hiện có, như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn để tiếp nhận làn sóng đầu tư trong và ngoài nước.
Các KĐT mới hình thành đã từng bước đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cho tới thời điểm này, nhìn vào đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025”, 6 KĐT mới đặc trung cho “bộ khung đô thị mới” tại TP đã và đang được hình thành, bao gồm KĐT mới Nam TP, KĐT cảng Hiệp Phước, KĐT Tây Bắc, KĐT mới Bình Quới-Thanh Đa, Khu công nghệ cao (giai đoạn I), Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Hình thành các Khu đô thị sáng tạo
Những năm 1990 TP. Hồ Chí Minh bắt đầu công cuộc đổi mới với việc cải tạo và phát triển không gian đô thị bằng chủ chương nghiên cứu đầu tư, xây dựng KĐT mới đầu tiên tại phía Nam. Sau đó các KĐT mới khác được hình thành và mở rộng về mọi hướng. Đây được xem là “bộ khung” để TP phát triển bền vững, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước, đóng góp vai trò và vị trí quan trọng trong khu vực và thế giới.
Không dừng ở đó, thời gian gần đây, TP chủ chương nghiên cứu nhằm hình thành các KĐT sáng tạo, với mục tiêu kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Từ đó, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ. Các KĐT sáng tạo sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TP và khu vực, đã thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị cao của TP sau gần 30 năm đổi mới hội nhập.
Trong định hướng phát triển không gian, TP mở rộng theo 3 hướng, trong đó hướng chính phía Đông là hành lang phát triển dọc tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội. Tại hướng này sẽ phát triển các KĐT mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Thực tế tại đây đã hình thành 2 KĐT mới khá thành công của giai đoạn phát triển vừa qua: KĐT công nghệ cao, KĐT mới Thủ Thiêm và Khu Đại học quốc gia TP. Việc hình thành KĐT sáng tạo của TP tại đây nhằm phát huy thành quả của quá trình quản lý phát triển đô thị thời gian qua.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn. Một phần do sự phát triển khá nhanh của các địa phương trong vùng, đã thu hút các nguồn lực đầu tư trước đây chỉ tập trung vào TP. Một phần do mặt trái của quá trình phát triển nhanh nhưng thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển của TP khi công tác quản lý, điều phối vùng còn yếu kém.
Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách của Nhà nước trong quản lý phát triển đô thị, nhất là với các đô thị đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất hợp lý, chậm đổi mới trong xu thế phát triển chung của khu vực. Từ những yếu tố này, việc hình thành KĐT sáng tạo của TP tại thời điểm này là phù hợp.
Trước mắt, KĐT sáng tạo sẽ là động lực để thực hiện thành công Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025; các đồ án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đang chuẩn bị thực hiện.
Chủ trương nghiên cứu hình thành KĐT sáng tạo đã nâng công tác quản lý phát triển đô thị tại TP lên tầm cao mới, nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách so với các đô thị phát triển trên thế giới. Cụ thể, với việc định hình không gian phát triển đô thị bằng các KĐT mới, TP đã đạt được ngưỡng phát triển về “lượng”, còn bằng việc liên kết và nâng tầm một số KĐT mới thành KĐT sáng tạo, TP sẽ vượt qua ngưỡng phát triển về “lượng” để chuyển sang giai đoạn phát triển mới về “chất”.