Chưa như kỳ vọng…
Được xác định là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế, nắm trong tay nhiều tiềm lực và ưu ái nhưng kết quả mang lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại làm dư luận thất vọng. Điều này thể hiện rất rõ qua việc ngày càng có nhiều hạn chế khiếm khuyết, từ những tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước được bộc lộ ra. Không chỉ đến khi câu chuyện Vinashin, Vianlines vỡ lở, dư luận mới quan tâm nhiều đến nội tình của các TĐ, TCT nhà nước. Cách đây vài năm, câu chuyện này đã được cảnh báo và đã làm “nóng” nhiều chương trình nghị sự, thu hút sự quan tâm của người dân về tình trạng mải mê đầu tư ngoài ngành, đầu tư vượt tầm kiểm soát trong khi lại lơ là nhiệm vụ chính của các TĐ, TCT nhà nước…
Sự mất tương xứng về hiệu quả hoạt động so với tiềm năng và ưu đãi của Nhà nước dành cho DNNN không còn là chuyện mới, tuy nhiên, số liệu đưa ra mỗi năm vẫn khiến nhiều người suy ngẫm. Sau hơn 25 năm thực hiện cải cách, số lượng DNNN đã giảm đi rất nhiều. Cụ thể, DN 100% vốn nhà nước giảm từ 12.300 năm 1992, xuống còn 5.655 DN vào năm 2001 và năm 2012 còn 1.309 DN. Với 1.309 DNNN, (trong đó bao gồm 96 TĐ kinh tế và TCT) có tổng tài sản khoảng 1.760.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 34% GDP của cả nước. Đóng góp vào GDP của DNNN tăng song số nợ phải trả của đối tượng này cũng tỷ lệ thuận với khoảng trên 1 triệu tỷ VND, bình quân bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu, thậm chí có DN nợ cao hơn vốn chủ cả chục lần đã gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Trong khi đó, khối kinh tế dân doanh chỉ đầu tư 28% nhưng lại tạo ra khoảng trên 40% GDP...
Đánh giá về kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNN, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Các DNNN chủ yếu sử dụng vốn tín dụng, kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất ngân hàng. Đặc biệt từ năm 2009 đến cuối năm 2011, cung - cầu mất cân đối, hàng hoá tồn kho lớn, làm tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tạo lực cản lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế năm 2012.
Bên cạnh tỷ lệ vốn chiếm dụng cao, đa số các DN có hoạt động đầu tư ngoài ngành, khi nền kinh tế biến động cũng dễ bị cuốn vào vòng xoáy khó khăn, dẫn đến thua lỗ, nợ xấu gia tăng. Cụ thể, có tới 70% tống số các DNNN thua lỗ (năm 2011 lỗ khoảng 6,5 tỷ USD); trước đó vào năm 2010, lợi nhuận sau thuế của DNNN chỉ khoảng 9%, gần bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11,75%. Các DNNN chiếm khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các TĐ kinh tế, TCT chiếm 53% số nợ xấu của DNNN.
Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội mới đây cho thấy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Một số TĐ, TCT kinh doanh thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai thấp. Một số lãnh đạo TĐ, TCT có hành vi tiêu cực, gây lãng phí của cải, tài nguyên của đất nước. Chính vì vậy, “định vị lại vai trò của DNNN để đẩy mạnh tái cơ cấu” là vấn đề đặt ra để giải quyết thực trạng trên.
Định vị để tái cơ cấu…
Nhận định về việc làm ăn kém hiệu quả của đa số DNNN trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Do quá “cưng chiều” nên loại hình DN được hưởng quá nhiều ưu ái về cơ chế chính sách, nguồn lực, vị thế độc quyền nên dẫn đến sự chủ quan, buông lỏng, thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo DN đối với đồng vốn nhà nước… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục vai trò vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là chủ sở hữu (đại diện chủ sở hữu) đối với DNNN cũng là một trong những rào cản lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển.
Theo TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM): Việc lạm dụng vai trò này của DNNN làm cho thị trường bị méo mó, bóp méo tín hiệu giá thị trường, đồng thời DNNN cũng không bình đẳng với DN ngoài quốc doanh. Cũng theo TS. Trần Tiến Cường: “Một trong những nguyên nhân của tình trạng độc quyền do chính sách, do cạnh tranh không lành mạnh xuất phát từ việc sáp nhập, hợp nhất các DNNN độc lập thành các TCT hoặc sáp nhập các TCT thành TĐ kinh tế nhà nước. Chính Nhà nước, với chức năng quản lý là người “cầm cân nảy mực” về cạnh tranh và độc quyền nhưng lại tạo ra tình trạng độc quyền này...
Vì vậy giải quyết bất cập, tồn tại trên là vấn đề mang tính thời sự sâu sắc, đã và đang được mổ sẻ rõ ràng. Khi số lượng DNNN còn lớn thì những tồn tại cũng đồng thuận với tỷ lệ đó và với sự quan liêu, thiếu trách nhiệm thì các mô hình tổ chức, quản trị cũng chưa thể theo kịp thông lệ kinh tế thị trường, chưa tách bạch được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước… Điều này được PGS.,TS. Lê Xuân Bá - Viện trưởng CIEM viện dẫn: “Sự thất vọng vào các DNNN được thể hiện rất rõ qua việc ngày càng có nhiều những khiếm khuyết, khuyết tật được bộc lộ. Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả mà còn là sự thất thoát lớn, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin vào sự lãnh đạo”.
Tái cơ cấu DNNN hiện đang bước vào giai đoạn thực hiện theo chiều sâu, tuy nhiên, vẫn cần nhắc lại khi tư duy chưa thông và quyết tâm chưa lớn ở từng DN thì chưa thể mang lại hiệu quả thiết thực và vẫn là hình thức. Vì vậy, tái cơ cấu DNNN đòi hỏi phải mang tính toàn diện cả tư duy lẫn hành động, trong đó phải bắt đầu từ việc định vị lại vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế; xác định ngành, lĩnh vực duy trì sở hữu Nhà nước; xác định các giải pháp tiếp tục đổi mới và phát triển DN.
Song song với đó, Nhà nước cần thay đổi cơ chế quản lý DNNN, Nhà nước nên giữ vai trò gì - dẫn dắt hay kiểm soát nền kinh tế? Nếu dẫn dắt thì Nhà nước chỉ có mặt ở những nơi mà tư nhân không thể và không muốn làm, hơn nữa đã là DN thì phải bị áp theo cơ chế thị trường, “lời ăn, lỗ chịu” tiến tới xóa bỏ bao cấp, giảm tải cho NSNN. Nếu không thống nhất quan điểm đó thì khó lòng giải quyết được những hạn chế tại các DNNN như thời gian qua.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11-2012
Định vị để tái cơ cấu
(Tài chính) Được hưởng nhiều ưu đãi song hiệu quả mang lại chưa tương xứng là vấn đề “nóng” đặt ra tại các doanh nghiệp nhà nước. Định vị lại vai trò, vị trí để đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay là quyết tâm lớn của các bộ, ngành và bản thân mỗi doanh nghiệp.
Xem thêm