DMA - đạo luật mang tính đột phá của châu Âu
Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức có hiệu lực. Khuôn khổ pháp lý này được đánh giá là mang tính bước ngoặt khi viết lại các nguyên lý cơ bản của kinh doanh trên không gian Internet và mạng di động, cũng như đảo lộn phương thức kiếm tiền của các “ông lớn công nghệ” và cách người tiêu dùng truy cập những dịch vụ này. Bắt đầu từ tháng 3 này, sẽ có những thay đổi lớn mà các ông lớn công nghệ sẽ phải tuân thủ.
Bước ngoặt của thị trường kỹ thuật số
DMA là một đạo luật mang tính đột phá của châu Âu nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến lớn kết nối người tiêu dùng với nội dung, hàng hóa và dịch vụ lạm dụng sức mạnh thị trường của họ. EU tin rằng, với việc đặt ra một loạt quy định cấm và nghĩa vụ đối với các công ty công nghệ có vị thế nổi trội trên thị trường, sẽ làm thay đổi cách hoạt động kinh doanh của các công ty này tại EU. DMA được kỳ vọng bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trong toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số toàn khối.
Theo đạo luật mới, EU yêu cầu 6 công ty Big Tech gồm Amazon, Apple, Microsoft, Alphabet, Meta và ByteDance (công ty mẹ của TikTok) phải thực hiện những thay đổi đáng kể đối với dịch vụ của họ ở 27 nước thành viên của khối này. Trong nhiều năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã có lập trường cứng rắn đối với các công ty Big Tech và cho rằng, các công ty này hiện đang nắm giữ quá nhiều quyền kiểm soát truy cập vào các dịch vụ thiết yếu của người dùng.
Việc áp dụng các quy định về cơ bản sẽ làm giảm sức mạnh của Big Tech, từ đó tạo ra một thị trường kỹ thuật số ở EU công bằng và mở rộng hơn, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có nhiều cơ hội được phát triển, mang đến cho người sử dụng nhiều lựa chọn về các loại hình dịch vụ. Thêm vào đó, đạo luật cũng thiết lập các quy tắc mới cho 10 dịch vụ nền tảng cốt lõi chẳng hạn như công cụ tìm kiếm, thị trường trực tuyến, cửa hàng ứng dụng, quảng cáo và nhắn tin trực tuyến, đặc biệt trao thêm quyền cho người sử dụng.
Việc các công ty công nghệ không tuân thủ các quy định có thể bị phạt nặng đến 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm các quy định về cạnh tranh nghiêm ngặt nhất, và thậm chí đến 20% nếu tái phạm hoặc bị cấm hoạt động trong khối. Mặc dù đạo luật chỉ áp dụng trong EU, nhưng các hình phạt trong đạo luật có khả năng thay đổi cuộc chơi, và tác động mạnh mẽ đến các công ty Big Tech cũng như cách người dùng sử dụng Internet.
Những thay đổi lớn trên thị trường công nghệ
Theo các chuyên gia, sẽ có 4 thay đổi chính trên thị trường công nghệ EU mà các doanh nghiệp cần lưu ý.
Thứ nhất, quy tắc bảo mật nghiêm ngặt hơn. Giờ đây, các công ty công nghệ sẽ cần phải được sự đồng ý của người dùng mới được chia sẻ dữ liệu từ một dịch vụ này sang dịch vụ khác mà công ty đó vận hành. Để thích ứng với điều này, Meta đã bắt đầu triển khai cửa sổ pop-up cho Facebook và Meta, đồng thời công ty này đã trì hoãn việc ra mắt dịch vụ mạng xã hội Threads tại EU. Đây là một ứng dụng mới được thiết kế để cạnh tranh với X (Twitter cũ), vì ban đầu nó yêu cầu người dùng đăng ký bằng tài khoản từ một trong những thương hiệu khác của công ty.
Trong khi đó, Google buộc phải hỏi người dùng lựa chọn dịch vụ mà họ muốn chia sẻ dữ liệu từ các ứng dụng Search, YouTube, Quảng cáo, Google Play, Chrome, Google Shopping cho tới Google Maps. "Gã khổng lồ" này đã cảnh báo người dùng rằng họ có thể đối mặt với sự suy giảm về khả năng “cá nhân hóa” nếu không chia sẻ dữ liệu. Điều này có nghĩa là các nền tảng khác nhau của Google sẽ không có đủ dữ liệu cá nhân để đề xuất các dịch vụ hoặc sản phẩm mà họ mong muốn.
Thứ hai, quyền lựa chọn ứng dụng. Theo đó, các Big Tech sẽ phải thông báo với người dùng rằng những phần nào của phần mềm thuộc hệ thống của họ, chẳng hạn như ứng dụng Camera và Photos của Microsoft Windows 11. Điều này nhằm cho phép người dùng quyết định họ muốn giữ những thứ đó hay chọn một dịch vụ đối thủ cung cấp cùng một chức năng. Người dùng điện thoại hệ điều hành Android và iOS sẽ có thể chọn trình duyệt yêu thích từ một màn hình lựa chọn để thay thế các lựa chọn mặc định do các công ty cung cấp.
Thứ ba, đối với hoạt động thương mại điện tử, các công cụ tìm kiếm và các nền tảng truyền thông xã hội, những dịch vụ như chợ trực tuyến của Amazon, báo tin mới của Facebook, công cụ tìm kiếm của Google, sẽ đều bị cấm gợi ý các dịch vụ và sản phẩm của chính những công ty này trên những kết quả tìm kiếm hàng đầu. Trước đây, Amazon từng bị cáo buộc “ưu ái” các sản phẩm của mình hơn các bên cung cấp khác cũng hoạt động ở sàn giao dịch này trên màn hình hiển thị kết quả tìm kiếm sản phẩm.
Thứ tư, quản lý mảng cửa hàng ứng dụng. Luật mới yêu cầu các công ty Apple và Google cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba được xuất hiện trên những thiết bị chạy bằng các hệ điều hành của những hãng này lần lượt là iOS và Android. Hiện nay, người dùng hệ điều hành Android có thể cài đặt những ứng dụng từ những nguồn khác nhau, theo quy trình “tải bên lề” (sideloading), nhưng lại phải tắt một số cài đặt bảo mật.
Đối với một số nhà phát triển ứng dụng, những thay đổi trên giúp họ linh hoạt hơn trong cách phân phối, tính phí và quảng cáo sản phẩm của mình. Về phía người sử dụng, điều này giúp họ có thể truy cập dễ dàng hơn vào các ứng dụng mà Apple không bao giờ tự bán, cũng như dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và thay đổi những dịch vụ đang cạnh tranh với nhau như các nền tảng mạng xã hội, các trình duyệt web và các cửa hàng ứng dụng.
Tuy nhiên, Apple cũng cảnh báo hệ quả an ninh từ quy trình này. Các chuyên gia trong ngành dự báo luật mới sẽ mở ra thời kỳ “ngập lụt” các cửa hàng ứng dụng thay thế, có cả khả năng sẽ xuất hiện những thỏa thuận độc quyền trong đó có những ứng dụng hoặc trò chơi sẽ chỉ có thể tải về từ những cửa hàng nhất định.
Bộ đôi đạo luật về kỹ thuật số
Trước DMA, EU cũng đã triển khai Đạo luật Dịch vụ số (DSA) từ ngày 26/8/2023, buộc chủ sở hữu các nền tảng này phải hạn chế những thông tin sai lệch và các nội dung tiêu cực như các bình luận mang tính thù địch, các nội dung cổ vũ khủng bố và quảng cáo các sản phẩm không an toàn.
Với hai đạo luật DMA và DSA, EU đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới mà các nền tảng trực tuyến không còn có thể tự đặt ra quy định của riêng mình. Đây là những bước đi tiên phong cho các nỗ lực quản lý không gian kỹ thuật số không biên giới hiện nay, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển lành mạnh và ổn định.
Khi triển khai thực hiện DMA, EU đánh giá sẽ có những công ty tuân thủ, thậm chí tuân thủ đầy đủ nhưng cũng có những trường hợp không thực hiện. Đồng thời khẳng định, luật mới không nhằm làm khó các công ty mà để thúc đẩy việc tuân thủ. Phó Chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề kỹ thuật số Margrethe Vestager nhận định rằng, dù kết quả của quá trình này ra sao, nhưng điều chắc chắn đó là một khi sự sáng tạo được vận dụng để thúc đẩy các hành vi bất hợp pháp, thì mọi công cụ quản lý sẽ được triển khai để ngăn chặn, thậm chí ở những lĩnh vực mà bộ đôi đạo luật này chưa vươn tới.