Doanh nghiệp bán lẻ: Cơ hội để nhìn lại mình

Theo Thanh Tâm/congthuong.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ, thì đây cũng được xem là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp (DN) đánh giá lại thị trường, tìm kiếm phương thức kinh doanh mới, phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xoay chuyển trong khó khăn

Những tháng đầu năm nay tiếp tục ghi nhận hàng nghìn DN trong lĩnh vực thương mại rời thị trường, tập trung chủ yếu vào: Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, việc làm, tư vấn, thiết kế quảng cáo…

Theo kết quả khảo sát của Công ty Vietnam Report đối với các DN thuộc nhóm ngành bán lẻ, khoảng 42% DN đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19, 50% DN đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải, khoảng 8% DN bị tác động ít.

Chị Minh Hằng - chủ DN chuyên bán tranh và quà lưu niệm cho khách du lịch quốc tế trên phố Hàng Gai (Hà Nội) - cho biết, hơn 1 năm qua công ty kinh doanh thua lỗ nên đã phải đăng ký tạm ngừng hoạt động. Chị dự tính sẽ quay trở lại thị trường vào tháng 5/2021, nhưng làn sóng dịch covid-19 lần thứ 4 quay lại khiến chị hoang mang không biết khi nào kế hoạch quay trở lại kinh doanh thực hiện được.

Chị Hoàng Mai - chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm và đồ uống trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) - buồn bã chia sẻ: “Chỉ tính riêng phí thuê mặt bằng cửa hàng đã lên đến 70 triệu đồng/tháng, nhưng dịch khiến người dân thắt chặt chi tiêu thành ra số lượng hàng bán ra không đáng bao nhiêu. Kể cả sau khi thương lượng chủ nhà giảm tiền thuê cho 50% thì lợi nhuận vẫn không bù đắp được các chi phí…”.

Kết quả khảo sát của các công ty quản lý bất động sản cũng cho thấy, khách thuê thuộc ngành hàng ăn uống, thời trang có sự thay đổi về diện tích thuê để cắt giảm chi phí hoặc lại trả mặt bằng. Hàng loạt mặt bằng tại những khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành phải đóng cửa, treo biển cho thuê.

Theo giới phân tích, bán lẻ, bán buôn là lĩnh vực kinh tế mà DN dễ gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn dai dẳng và những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khiến lượng DN trong ngành này gặp nhiều khó khăn phải đóng cửa là điều có thể xảy ra, để họ tiếp tục nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường và tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Sự dịch chuyển mới

Rõ ràng, dịch Covid-19 đang tạo sức ép chưa từng có cho ngành bán lẻ. Dịch bệnh đã gây ra sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng và cách vận hành của DN. Dự kiến phải mất thêm một quãng thời gian khá dài nữa thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi.

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế thì cũng không quá lạc quan khi sự gia tăng của thương mại điện tử được đánh giá tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc phải tìm các phương án đối phó. Đây có thể là thời điểm để đánh giá lại thị trường bán lẻ, tìm kiếm phương thức kinh doanh kiểu mới, bởi những giá trị cung cầu bị chênh lệch quá xa so giá trị thực.

Về vấn đề này, bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng giám đốc phụ trách tư vấn chiến lược EY Việt Nam phân tích, đại dịch Covid-19 đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách họ tiêu dùng.

Trong một khảo sát của EY Future Consumer Index nhận thấy, 89% người tiêu dùng được khảo sát đang và sẽ thay đổi cách thức mua sắm; 76% đang và sẽ thay đổi cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ; 50% sẽ chỉ chi tiêu cho một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Những thay đổi này chắc chắn ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của DN.

Vì vậy, giải pháp đưa ra cho DN hiện nay là: Xem xét lại cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm, chi phí chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số được kỳ vọng tiếp tục gia tăng, dẫn dắt sự liên kết giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với nền tảng số.

Sức mua, doanh số sụt giảm; thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh; đứt gãy chuỗi cung ứng là những khó khăn lớn mà DN bán lẻ phải đối mặt dưới tác động của đại dịch Covid-19.