Doanh nghiệp bán lẻ Việt: Làm sao để giữ vai trò chủ đạo?
Từ nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới,với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 12%/năm, quy mô ước đạt 179 tỷ USD vào năm 2020. Điều đáng lưu ý, miếng bánh thị phần bán lẻ ở kênh hiện đại đang dần rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, chiếm tới 53% doanh thu năm 2017.
Để thúc đẩy thị trường bán lẻ nói chung, các DN bán lẻ trong nước cùng phát triển nói riêng, thì cần một chính sách tổng hòa, trong đó các biện pháp hỗ trợ phải đi vào thực chất, tránh tình trạng hỗ trợ chung chung như thời gian vừa qua. Nếu không làm tốt việc phát triển hệ thống phân phối, các DN trong nước sẽ khó có thể chen chân vào “miếng bánh” 180 tỷ USD trong những năm tới. Đây là quy luật của hội nhập, mở cửa thị trường, ai nắm hệ thống phân phối, người đó có quyền quyết định đến sản xuất.
Với nguồn lực lớn mạnh, theo dự báo trong 3 năm tới, nếu các DN trong nước không cải tiến và liên kết, thị phần sẽ bị thu hẹp và mất dần vào tay các tập đoàn đa quốc gia.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ Việt Nam năm 2017 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương 130 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2016. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Tổng hợp từ một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, kể từ 1990 đến nay, doanh thu bán lẻ Việt Nam chưa có năm nào sụt giảm và tốc độ tăng trưởng có xu hướng ổn định hơn từ năm 2010 trở lại đây. Trong đó, ngành bán lẻ ở khu vực thành thị trong năm vừa qua vẫn đang là động lực cho sự tăng trưởng. Mức sống tăng, cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị được cho là nguyên nhân chính khiến bán lẻ trở thành một lĩnh vực tiềm năng.
Hiện tầng lớp trung lưu Việt Nam có mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên đang tăng gấp đôi trong giai đoạn 2014-2020, chiếm khoảng 1/3 dân số thành thị. Đó là chưa kể, cơ cấu dân số trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 60%, là một yếu tố quan trọng để thu hút các nhà bán lẻ quốc tế vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Từ thực tế trên, cuộc đua đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam luôn là đề tài nóng bỏng, trong đó phần thắng thuộc về các nhà bán lẻ nước ngoài, với hàng loạt thương vụ mua lại các chuỗi siêu thị tại Việt Nam
Sau giai đoạn mua bán, sáp nhập, các nhà bán lẻ này đang tập trung nguồn lực để tái cơ cấu ngành hàng, đa dạng hóa sản phẩm và các dịch vụ tiện ích, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng. Trong khi đó, các nhà bán lẻ trong nước còn chuyển mình rất chậm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố về tiềm lực tài chính là rất yếu.
Theo phân tích của một chuyên gia, hiện vốn tự có của các nhà bán lẻ trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu kinh doanh, còn lại phải đi vay. Trong khi đó, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức từ 7% - 11%/năm, gấp 2 - 3 lần so với lãi suất của các nước trong khu vực, như Philippines là 2,2%/năm, Malaysia là 2,1%/năm. Vì vậy, DN bán lẻ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các DN nước khác.
Về thuế, DN Việt Nam hiện mất bình quân khoảng 40,8% lợi nhuận do nộp thuế. Tỷ trọng thuế trên lợi nhuận mà DN Việt Nam phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc, nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực.
Cụ thể, tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Campuchia 21%, Thái Lan khoảng 27,5%, Indonesia 29,7%, Hàn Quốc là nước phát triển và có cách tính thuế phức tạp nhưng tổng thu thuế cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của DN. Với tỷ lệ này, thuế “ăn” hết lợi nhuận của DN, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng kinh doanh, khó có thể có nguồn lực cạnh tranh với DN nước ngoài.
Ngoài ra, các DN nội còn chịu thêm những chi phí khi thực hiện nhiệm vụ chính trị như phục vụ thị trường nông thôn, chống bão lụt. Những hoạt động này nếu không có sự hỗ trợ hợp lý của các địa phương thì chắc chắn DN sẽ bị lỗ, hoặc không có lợi nhuận cho những chuyến hàng đó.
Những vấn đề cấp bách
Trong định hướng phát triển, đến năm 2025-2030, TP. Hồ Chí Minh phải phát triển được hệ thống phân phối đa dạng, trở thành trung tâm mua sắm chủ lực trong khu vực Đông Nam Á, trong đó bán lẻ trong nước phải giữ vai trò chủ đạo. Để làm được việc này, TP xác định sẽ xây dựng và phát triển 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu, làm bệ đỡ cho sản xuất phát triển bền vững.
Tại thời điểm này, DN bán lẻ trong nước là ai? Có thể khẳng định, chỉ mỗi Saigon Co.op hiện vẫn giữ vị trí đầu bảng trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị Co.opmart, ngoài ra còn có cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile và Trung tâm thương mại (TTTM) Sense City, Co.opXtra; Tập đoàn VinGroup với hệ thống TTTM, siêu thị Vinmart, cửa hàng Vinmart+, VinPro; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với chuỗi cửa hàng SatraFood, 1 siêu thị Satramart và 1 TTTM; Thế Giới Di Động với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh; Công ty Đông Hưng có chuỗi siêu thị và cửa hàng Citimart…
Tương tự, với Satra, bán lẻ lâu nay không phải là “nồi cơm chính” của họ, do vậy thương hiệu Satrafood còn rất mờ nhạt trên thị trường. Chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động cũng đã thực hiện IPO và bán cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Riêng Citimart đã bán cho Aeon 40%. Như vậy, nhìn tới, nhìn lui chỉ còn mỗi Saigon Co.op là nhà bán lẻ thuần Việt.
Việc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ là rất dữ dội nên nếu chỉ bàn đến sự phát triển Saigon Co.op hoặc Satra thì chưa đủ, mà cần đặt trong một quy mô phát triển tổng thể về mạng lưới phân phối của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Nếu chúng ta mãi tính toán đến việc phát triển từng thương hiệu thì ngành bán lẻ trong nước sẽ không lớn lên được. Để làm được việc này, mỗi DN phải chủ động nâng sức cạnh tranh của chính mình cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Với những DN đã có thế mạnh sẵn có như Saigon Co.op, cần phải được quan tâm, chăm sóc đặc biệt, cũng như lắng nghe xem họ cần gì, thiếu gì để hỗ trợ kịp thời. Trong quá trình đó, bản thân các DN cần có sự liên kết chặt chẽ, tận dụng tốt thế mạnh của nhau mới tạo thành sức mạnh tổng hòa, cần tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế.
Liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa cũng là vấn đề hết sức cấp bách. Nếu không có nền sản xuất nội địa tốt thì khó có cơ hội phát triển trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh với DN ngoại. Cần tạo ra liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối, phân phối - phân phối, bán buôn - bán lẻ, sẽ giúp giảm giá thành và hàng sản xuất được đảm bảo về nguồn đầu ra, tránh tình trạng lãng phí.