Thị trường bán lẻ: “Lép vế” trên sân nhà!
Với sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại hiện nay, liệu doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể trụ vững trên sân chơi của chính mình?
“Miếng bánh béo bở”
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Việt Nam đã và đang là một trong những thị trường bán lẻ nổi bật ở châu Á, tốc độ tăng trưởng khoảng 89%/năm. Cùng với đó là tiềm năng về dân số hơn 90 triệu người. Ngoài ra, thị trường nông thôn còn đang bỏ ngỏ, hệ thống cửa hàng tiện lợi chưa phát triển.
Ông Phú cho rằng, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán lẻ thì tốc độ phát triển của các cửa hàng tiện ích cũng rất nhanh và mạnh. Hiện cả nước có 4.000 cửa hàng tiện ích cùng với 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại. Nguồn cung của thị trường bán lẻ khá dồi dào. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp còn có kênh bán hàng online, quy mô khoảng 4 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm và có có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và nước ngoài.
Cùng quan điểm, ông Lê Phú Toàn, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại xuất - nhập khẩu THT Việt Nam, nhận định: “Thị trường bán lẻ của Việt Nam thời gian qua đã có sự khởi sắc do nền kinh tế mở cửa, các tập đoàn lớn từ nước ngoài đầu tư ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Thị trường bán lẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và sẽ cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới”.
Còn nhiều hạn chế
Thừa nhận tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ trong nước thời gian qua vô cùng sôi động nhưng ông Vũ Vinh Phú cũng chỉ ra những hạn chế của thị trường bán lẻ Việt Nam, đó là chi phí thuê mặt bằng đang quá cao, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, nguồn cung ứng chưa ổn định, hàm lượng công nghệ trong quản lý còn yếu... Đi cùng với đó là sự đầu tư ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài, điều này tác động lớn đến nhà phân phối bán lẻ trong nước.
Thứ hai, các doanh nghiệp bán lẻ Việt còn yếu về vốn, thiếu sự liên kết trong quản trị doanh nghiệp. Nhiều khi còn ép các nhà cung ứng hàng hóa Việt khi vào kênh siêu thị bán lẻ với chiết khấu, chi phí cao.
Thứ ba, hệ thống mua bán tại Việt Nam qua nhiều trung gian, tầng lớp cho nên giá hàng hóa bị đẩy lên cao.
Thứ tư, mối quan hệ giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp nguồn hàng còn nhiều bất cập. Thứ năm, chưa có sự kết nối giữa bán hàng truyền thống với bán hàng qua mạng.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Phú Toàn lo ngại, một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là sự cạnh tranh giữa các “ông lớn” trong ngành bán lẻ, họ có tiềm lực tài chính, có nguồn nhân lực chất lượng, được đầu tư công nghệ bài bản. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có uy thế trước các nhà cung cấp, do vậy, các công ty bán lẻ có quy mô nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về cạnh tranh.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng cho rằng, ngành thương mại dịch vụ còn tồn tại nhiều hạn chế, điển hình như tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn kém.
Hiện ở nước ta, thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử và còn cách nhau một khoảng cách khá xa. Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có quy mô nhỏ.
Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh... phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
“Đa số các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung tại các thành phố lớn, trong khi khu vực nông thôn, ngoại thành thì chưa phát triển. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ lần lượt chiếm 47%, 50% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước”, ông Đông phân tích.
Đại diện nhiều sở Công Thương các tỉnh cho rằng, ngành thương mại, dịch vụ đang tồn tại một bất cập lớn là khâu logistics chưa phát triển. “Các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải mà phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài, thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng...”, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết.
Ở một góc độ khác, theo ông Đinh Việt Thanh, đại diện Tổng công ty May 10, doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc đối phó với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan với thủ đoạn tinh vi, trong khi doanh nghiệp lại thiếu hiểu biết pháp luật và chưa biết cách tự bảo vệ mình.
Thách thức từ xu hướng tiêu dùng mới
Xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại đang ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi, đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng.
Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây của PwC (công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), 49% số người tham gia khảo sát có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Hiện có nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT... có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.
Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến; chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam chưa đạt như tiềm năng mong đợi do quan ngại của người dân về chất lượng hàng hóa, thời gian chuyển hàng cũng như một số phần mềm thương mại điện tử vẫn chưa dễ sử dụng với tất cả mọi người...
“Một vấn đề cốt lõi là thương hiệu của công ty, doanh nghiệp hay sản phẩm. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn thương hiệu để người tiêu dùng có đủ sự tin tưởng khi mua sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử”, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen Việt Nam, nhấn mạnh.
Bà Đặng Thúy Hà cho hay, các gã “khổng lồ” của thế giới như Amazon, Alibaba... bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu tốt cho thị trường và người tiêu dùng. Đối với thị trường có thêm những nhà cung cấp lớn, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước cũng phải tự nâng tầm của mình để có thể cạnh tranh.
Bà Đặng Thúy Hà khẳng định, chúng ta không thể đi nhanh hay gọi vốn để tăng trưởng nếu không có công nghệ. Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt cho phát triển thương mại điện tử. Thêm vào đó, những chính sách của Chính phủ rất tốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua. Chính vì vậy, hơn lúc nào, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tiếp cận với công nghệ để nhanh nhất thích ứng với xu hướng thế giới.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) cho biết: “Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay đã xuất hiện rất rõ ràng, gắn với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử và các hình thức giao dịch, thanh toán thông minh tăng rất mạnh trong thời gian gần đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả các trung tâm thương mại”.
Cuộc đua ngày càng khốc liệt
Năm 2018, cuộc đua tăng trưởng giữa các doanh nghiệp bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và khốc liệt, khi nhiều nhà đầu tư ngoại thể hiện rõ tham vọng tại thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội cũng toan tính để giữ vững thị phần.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng gay go và khốc liệt hơn giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
“Doanh nghiệp bán lẻ Việt nếu không có chiến lược tốt sẽ mất dần thị phần và có thể thua ngay trên sân nhà. Cạnh tranh diễn ra từ năm 2012 đến nay, với mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng. Sự cạnh tranh này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng khiến các hệ thống bán lẻ phải nhìn lại mình để hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, bà Hậu cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, tính chất cạnh tranh càng nóng bỏng thì những khó khăn đối với doanh nghiệp bản lẻ càng gia tăng. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xác định năm 2018 tiếp tục là năm thử thách khi tốc độ tăng trưởng chậm lại.