Doanh nghiệp châu Âu đánh giá ra sao về thị trường Việt Nam?
Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh của Decision Lab mới nhất cho thấy Việt Nam đang cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ châu Âu.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của đa số doanh nghiệp châu Âu. Theo báo cáo mới nhất về Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI), 54% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tích cực ủng hộ Việt Nam như là một điểm đến đầu tư được ưa thích.
Khảo sát của Decision Lab quý 1 năm 2024 cho thấy, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp EuroCham đã tăng lên 52,8 điểm từ mức 46,3 điểm của quý 4 năm ngoái, phản ánh quan điểm ngày càng tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong mắt nhà đầu tư châu Âu.
Ông Thue Quist Thomasen, CEO Decision Lab, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: “Trên thực tế, tốc độ phục hồi không chỉ tăng lên, mà chúng ta hiện đang ở trong "vùng tích cực" trên 50 điểm chỉ số. Điều này cho thấy sự tăng trưởng và đầu tư gia tăng”.
Là thước đo thường xuyên về tâm lý kinh doanh của các công ty Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, BCI tăng lên đã báo hiệu khởi đầu năm mới khả quan cho doanh nghiệp ngoại. Tiếp đà tăng nhẹ từ vài quý vừa qua, chỉ số BCI tăng mạnh 6,5 điểm trong quý 1 năm 2024, cho thấy một triển vọng tươi sáng hơn trong tâm lý cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, ngày càng nhiều doanh nghiệp thành viên của EuroCham lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế. Tâm lý lạc quan đã tăng 6 điểm phần trăm (từ 39% lên 45%), trong khi mức độ bi quan tương ứng giảm 8 điểm phần trăm (từ 18% xuống 10%).
Điều này phần nào bắt nguồn từ tình hình kinh doanh tươi sáng hơn như các công ty xác nhận. 32% đại diện các doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh của họ vẫn tích cực, hầu như không thay đổi so với quý 4/2023. Điều đáng nói ở đây là tâm trạng tiêu cực đã giảm, từ 39% xuống 32%.
Theo báo cáo, sự lạc quan đó đến từ sự cải thiện thực tế trong môi trường kinh tế của Việt Nam và toàn cầu, điều này đã dẫn đến sức chi tiêu của người tiêu dùng và nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Tổng cục thống kê Việt Nam cho biết, CPI tháng 3/2024 đã giảm 0,23%, trong đó 7/11 nhóm hàng và dịch vụ chủ yếu đã giảm giá. Xu hướng này được dự báo sẽ kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân hơn nữa và đi ngược lại đà tăng giá hàng hóa gần đây do những biến động chính trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong dài hạn, hầu hết các thành viên EuroCham tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Có tới gần 3/4 (71%) doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhìn nhận Việt Nam là môi trường ổn định và hấp dẫn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong những năm tới.
Chủ tịch EuroCham Việt Nam Dominik Meichle của Bosch Việt Nam cho biết: “Xu hướng tích cực này nhấn mạnh quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn”.
Với tham vọng nâng cao giá trị cho ngành sản xuất, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, từ sản xuất cho tới bán dẫn và năng lượng tái tạo – những lĩnh vực mà châu Âu có thể nắm giữ nhiều lợi thế.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (Cebr) của Vương quốc Anh dự đoán đến năm 2038, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu, với quy mô GDP 1,56 nghìn tỷ USD. Con số này thậm chí còn cao hơn các nước như Thái Lan, Singapore và Philippines.
“Dự báo những chuyển biến tích cực từ quý 2/2024 trở đi như kỳ vọng, chúng ta sẽ bắt đầu thấy nhu cầu hàng hóa Việt Nam tăng, cộng với tác động của lượng hàng mới đến từ các doanh nghiệp FDI,” một thành viên EuroCham tham gia khảo sát nhận xét.
IMF dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 469,7 tỷ USD vào cuối năm 2024, tiếp tục củng cố vị thế là nền kinh tế lớn thứ năm khu vực Đông Nam Á. Động lực này theo các chuyên gia đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ tái định vị chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách nội bộ mạnh mẽ, nâng cao năng suất lao động và đầu tư công và tư nhân đáng kể, như Cebr nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo của Decision Lab cũng chỉ ra những vấn đề nội tại đang cản trở dòng vốn FDI từ châu Âu mạnh mẽ hơn vào Việt Nam. Theo đó, gánh nặng hành chính vẫn là trở ngại đối với hơn 50% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi. 25% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc xin giấy phép, bao gồm cả giấy phép kinh doanh và thị thực làm việc cho nhân viên nước ngoài.
Ngoài ra, những quy định pháp luật không rõ ràng và “có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau” cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải suy tính trước khi đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Tại VBF 2024, đại diện EuroCham đã đề xuất chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách pháp luật trở nên minh bạch và rõ ràng hơn, đặc biệt trong ngành năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và năng lực nội tại, Việt Nam vẫn đang từng bước chinh phục niềm tin của nhà đầu tư châu Âu. Ông Dominik Meichle cho biết: “Chỉ số một lần nữa tăng trên ngưỡng 50 khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam. Những nỗ lực nhằm tiếp tục nâng cao sự ổn định và khả năng dự đoán sẽ tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và phát huy hết tiềm năng của mình”.