Doanh nghiệp có cơ sở để tin vào sự cải thiện kinh tế vĩ mô

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, phần đông các doanh nghiệp đều có những đánh giá tích cực về tình hình hoạt động, về lợi nhuận, về các đơn hàng từ nay đến cuối năm. Đây là những điểm tựa quan trọng để tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Vậy thực tế nền kinh tế đang diễn biến như thế nào? Khả năng hoàn thành một số mục tiêu quan trọng như lạm phát và tăng trưởng đến đâu? Chuyên gia Kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ góc nhìn của mình.

Doanh nghiệp có cơ sở để tin vào sự cải thiện kinh tế vĩ mô
Phần đông các doanh nghiệp đều có những đánh giá tích cực về tình hình hoạt động, về lợi nhuận, về các đơn hàng từ nay đến cuối năm. Nguồn: internet
Phóng viên: Ông nhận định thế nào về diễn biến kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2014?

Ông Cấn Văn Lực: Trong 6 tháng qua, kinh tế nước ta có một số điểm tích cực, một số khó khăn, thách thức. Trong đó, GDP tăng khoảng 5%, tương đương với mức của 2013. Lạm phát đang ở kiểm soát thấp nhất trong vòng 10 năm vừa qua, tăng khoảng 1,38% so với cuối năm 2013. Xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15%. Và nước ta đang ở trạng thái thặng dư thương mại, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, lãi suất tiếp tục giảm, đặc biệt dự trữ ngoại hối tăng lên ở mức kỷ lục 35 tỷ USD. Thị trường chứng khoán tuy có nhiều bấp bênh nhưng cũng rất tốt so với các nước trong khu vực, khoảng 11% so với đầu năm. Bất động sản đang ấm trở lại.

Các thông số nêu trên cho thấy, kinh tế nước ta trong 6 tháng qua tương đối khả quan. Vậy, có thể nhìn nhận như thế nào về việc vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp?

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 3.5, tăng trưởng tín dụng khoảng 1,31%. Con số này thấp hơn so với 2,9% cùng kỳ 2013. Có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng không tăng trưởng như kỳ vọng, trong đó, chủ yếu là do sức cầu khá yếu ớt. Thực tế, mức tăng tồn kho ở mức khoảng 13%, trong khi mức tăng này trong năm 2013 chỉ là 10%. Tổng mức bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng qua tăng khoảng 11%, vẫn thấp hơn mức 12% của năm 2013. Chúng ta loại trừ đi yếu tố lạm phát thấp, thì tăng hơn so với năm ngoái một chút. Rõ ràng cầu vẫn rất yếu, nên doanh nghiệp cũng chưa muốn đi vay. Và do còn nhiều rủi ro bất ổn, cho nên niềm tin chúng ta phải tiếp tục củng cố thì doanh nghiệp mới sẵn sàng đi vay nhiều hơn. Nợ xấu vẫn còn mức độ cao, chưa giải quyết triệt để. Điều này không mâu thuẫn với kết quả khảo sát của VCCI, bởi trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ có đơn vị chưa tin tưởng sự khả quan kinh tế từ nay đến cuối năm.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, hiện doanh nghiệp đánh giá việc hạ lãi suất đã có những tác động tích cực và đề nghị tiếp tục hạ lãi suất. Theo Ông, có cần tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp không?

Hạ lãi suất là hỗ trợ hiệu quả với doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua. Lãi suất cho vay hiện đã giảm đi gần một nửa so với mức lãi suất cao trước đây. Tuy nhiên hiện nay câu chuyện lãi suất qua khảo sát không phải là yếu tố then chốt, khiến doanh nghiệp quyết định đi vay vốn hay không. Cơ bản, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu ớt, tồn kho lớn và niềm tin vào nền kinh tế chưa vững chắc. Tuy nhiên, sức cầu trong 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn, vì với mức lạm phát năm 2014 dự kiến có thể ở 6%, thì đã bảo đảm lãi suất gửi tiết kiệm dương cho người dân. Như vậy, hiện nay chưa cần thiết điều chỉnh lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành điều chỉnh tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu. Theo Ông, việc tăng tỷ giá hay làm cách khác là giảm giá đồng Việt Nam đi thì thúc đẩy xuất khẩu như nào?

Lâu nay, chúng ta điều chỉnh tỷ giá không có tác động lớn đến xuất nhập khẩu. Nhưng thời điểm hiện nay chúng ta đang muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Việc điều chỉnh vừa qua khá phù hợp để có điều kiện kích thích, đa dạng hóa thị trường khác, ngoài thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh vừa qua cũng gần hơn so với tín hiệu thị trường. Tín hiệu thị trường cũng nóng lên trong thời gian vừa qua và tác động đến tâm lý thị trường. 

Cũng có quan điểm cho rằng tình hình Biển Đông căng thẳng khiến hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc ít nhiều gặp khó khăn. Ông có cho rằng như vậy?

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc có giá trị khá lớn. Trong 6 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc ước khoảng 20 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu nước ta. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này khoảng 7,3 tỷ USD, chiếm 10% trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Tất nhiên chúng ta không hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, mà đã chú trọng phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu. Những diễn biến gần đây trên Biển Đông là một cơ hội để thúc đẩy tính tự chủ của chúng ta, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sau khi gặp một số trục trặc đã trở lại hoạt động bình thường. Ông đánh giá thế nào về thu hút vốn đầu tư FDI trong bối cảnh hiện nay?

Các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Trong 6 tháng qua, tỷ lệ nhà đầu tư ngoại mua ròng chứng khoán tăng khoảng 32%. Điều này chứng tỏ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn  có mức độ khá tốt. Đàm phán TPP dự kiến kết thúc trong năm nay, đây là cửa để đầu tư và thương mại phát triển. Đặc biệt, chúng ta sẽ tham gia khối kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Dù sao thì thách thức còn khá nhiều, sức cầu trong nền kinh tế còn yếu ớt, thủ tục hành chính còn nhiêu khê. Môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng vẫn còn một số vấn đề liên quan đến chính sách thuế, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính. Rồi sự cạnh tranh khốc liệt FDI vào các nước...

Ông đánh giá thế nào về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài?

Chúng tôi dự kiến năm nay sẽ ở mức độ như năm ngoái, tức là đăng ký khoảng 21 tỷ USD, giải ngân khoảng 11 tỷ USD. Nếu chúng ta quyết tâm, giữ được như thời gian vừa qua thì tôi biết rằng niềm tin sẽ được củng cố rất là mạnh. Khi hội thảo diễn đàn đầu tư trong TP Hồ Chí Minh vừa qua, các nhà đầu tư ngoại đã bày tỏ ra tin tưởng vào giải quyết vấn đề của Chính phủ Việt Nam. Sắp tới chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn việc này.

Mức độ lạm phát trong 6 tháng mới chỉ 1,38%, trong khi mục tiêu chúng ta đặt ra không được vượt quá 7%, Ông dự đoán con số lạm phát năm nay?

Năm nay CPI 6 tháng đầu năm chúng ta tăng khá thấp, 1,38% so với cuối năm ngoái, trong khi đó, mức cùng kỳ 2013 là 2,4%, có nghĩa năm nay tăng rất thấp. Dự kiến tính bình quân cả năm như chúng ta nói là sẽ giống năm ngoái khoảng 6%. Chỉ tiêu 7% của Quốc hội, Chính phủ đề ra hoàn toàn đạt được. Tất nhiên cũng không quá mừng, nhiều cũng do sức cầu của nền kinh tế. Giá cả thế giới hiện nay tăng không đáng kể.

Ngân hàng thế giới dự đoán năm nay chúng ta tăng trưởng khoảng 5,5% còn năm tới khoảng 5,6%. Ông có dự đoán nào khác hay không?

Chúng tôi cũng đưa ra kịch bản trung bình, cấp độ vừa phải. Năm nay chúng ta phấn đấu tăng trưởng tối đa cũng như năm ngoái. Tức là 5,4 đến 5,5%. Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, chúng ta phải tăng cường hơn nội lực của nền kinh tế, ví dụ liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, liên quan đến chuỗi cung ứng của chúng ta, lâu nay chúng ta ít quan tâm, phát triển rất yếu ớt. Chúng ta phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh việc xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 10%. Phải tăng sức tiêu dùng trong nội địa, cái này các nước làm khá mạnh mẽ. Cũng phải tăng cường hơn hội nhập kinh tế quốc tế thông qua Hiệp định, Diễn đàn hay TPP xuyên Thái bình Dương… Tôi nghĩ đấy là điều thuận lợi mà chúng ta phải hết sức lưu ý từ nay đến hết năm sau.

Từ nay đến cuối năm, theo Ông điều hành vĩ mô cần phải chú trọng điều gì?

Trong 6 tháng cuối năm, các cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết quyết liệt hơn khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế, một số gói tín dụng đã và đang đưa ra cho doanh nghiệp hiện vẫn mắc một số vấn đề về thủ tục, phối kết hợp các cơ quan. Chúng ta quyết tâm xử lý nợ xấu mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn chậm, còn vướng mắc mà tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước chưa giải quyết được. Bên cạnh đó cần tiếp tục củng cố niềm tin với doanh nghiệp để người dân tiếp tục đầu tư, tiếp tục gửi tiền vào hệ thống tài chính ngân hàng.

Xin cám ơn Ông!